Tôi giật mình, hỏi rõ sự tình mới biết căn bệnh ung thư dạ dày của bác lại tái phát, cách đây mấy năm bác đã từng phẫu thuật một lần. Hồi đó phát hiện sớm, đã cắt bỏ hai phần ba dạ dày, tưởng rằng sẽ không việc gì nữa, ai ngờ mấy năm sau tự nhiên lại tái phát và nhanh chóng lan rộng. Hôm sau tôi vội vàng xin nghỉ phép để về nhà. Về đến nhà tôi phi thẳng vào bệnh viện, bác hai đang nằm đó để điều trị lần cuối nhằm kéo dài thêm mấy ngày nữa.
Lúc tôi đến viện, bác hai vẫn có thể hoạt động nhưng không còn nhận ra ai nữa rồi. Do phổi bị nhiễm trùng nặng nên việc hít thở của bác rất khó khăn, hơn nữa mỗi lần ho đều ra rất nhiều đờm đặc và có mùi hôi, đến y tá cũng phải tránh. Nhưng bố thì không. Mỗi lần bác ho, bố nhanh chóng cầm chiếc ống nhỏ đặt trước mặt bác, một tay nâng, một tay lấy giấy ăn lau cho bác. Bố là vậy. Với anh em, họ hàng bố luôn đặt chứ hiếu lên đầu. Bố là người có quan niệm cực kỳ truyền thống.
Ảnh minh họa
Đúng hôm tôi chuẩn bị đi thì bệnh tình của bác hai bỗng trở nên xấu trầm trọng. Theo phong tục, nếu chết ở nơi đất khách thì bị coi là không tốt, chắc chắn bị người trên đầy hoặc bị ông trời trừng phạt. Do đó, cách duy nhất là thuê xe đưa bác về nhà. Làm xong thủ tục xuất viện, mọi người nhanh chóng đưa bác ra xe. Về đến nhà, từ đường vào nhà có đến 6,7 bậc thang toàn những đá lởm chởm, anh họ đang định khom lưng xuống để cõng bác hai vào thì bố liền đưa tay ra ngăn lại: "Cháu còn nhỏ, nhỡ trượt chân một cái thì làm thế nào, để chú".
Nói rồi bố liền khom lưng xuống để mọi người dìu bác hai lên vai bố. Bố cong lưng, không dám đứng thẳng, hai tay giữ chặt hai chân của bác hai. Có một điểm đáng nói là, thân hình của bác hai tương đối cao, mặc dù đau ốm từng ấy năm nhưng thể trọng của bác vẫn gần 60kg, hơn bố đến mấy cân liền. Bố bước từng bước chầm chậm, đến bậc thang đầu tiên, tôi thấy bố dừng lại hít một hơi thật sâu rồi sau đó giơ chân phải bước lên thật vững, bố ra hiệu cho mọi người đỡ bác hai, rồi chân trái lại từ từ nhấc lên, sau khi đứng chắc, bố lại hít một hơi thật sâu và lặp đi lặp lại động tác đó.
Cuối cùng, sau 3 phút bố cũng đưa được bác hai lên thềm nhà mà bình thường chỉ cần 3 đến 5 giây là đi hết 6,7 bậc thang đó. Cõng bác vào phòng, người bố ướt đẫm mồ hôi, hai tay giơ ra đỡ lưng rồi đứng thẳng dậy.
Tôi không biết làm thế nào để miêu tả hết tâm trạng, sự lo lắng, nỗi buồn của bố. Đúng vậy, tôi đã cảm nhận được hết những cảm giác đó. Khi một người mới gặp trước đó vẫn còn sống khỏe mạnh nay bỗng lâm vào cảnh "gần đất xa trời" thì cho dù giữa chúng ta không có chung mối quan hệ máu mủ ruột thịt hay thậm chí đã từng là kẻ thù của nhau, thì ngay lúc này đây bạn cũng không khỏi động lòng rơi lệ.
Lần này trở về, ngoài việc thăm bác hai bố còn bảo tôi mang cho bố 30 triệu để bố trả nợ. Nghe giọng bố qua điện thoại có vẻ rất nghiêm trọng. Tôi cũng đoán là bố không thể xoay được ở đâu nữa nên mới "cầu cứu" đến tôi. Sở dĩ nguyên do của số nợ này là, mấy năm trước bố tự nhiên nảy ra ý tưởng cùng mấy người trong xóm mở xưởng gia công kẹo, trông bố có vẻ quyết tâm lắm.
Hồi đó tôi đang chuẩn bị chuyển công tác từ Thái Nguyên xuống Hà Nội nên cũng không tỏ ra phản đối với quyết định của bố. Giờ nghĩ lại mới thấy mình sai. Con người bố thật thà, nhút nhát làm sao chống chọi được với thương trường đầy rẫy chông gai, hơn nữa tuổi bố cũng đã ngoại ngũ tuần, bố có thể chấp nhận thành công chứ làm sao chịu đựng nổi sự thất bại. Dù sao thì mọi chuyện cũng đã rồi. Mùa xuân năm đó, nhà máy gia công kẹo của bố bắt đầu đi vào hoạt động. Nhìn vẻ tất bật sáng đi sớm tối về muộn của bố, tôi vừa mừng, vừa lo. Giờ thì cũng chỉ biết cổ vũ cho sự hăng say vào nghề của bố mà thôi. Mấy hôm sau thì tôi xuống Hà Nội.
Ở Hà Nội hơn 1 năm, lần nào gọi điện bố cũng bảo mọi việc đều rất tốt, tôi không phải lo lắng gì cả. Có ngờ đâu, mãi cho đến khi tôi từ Hà Nội về mới biết xưởng của bố duy trì chưa đầy một năm đã phải đóng cửa, bị người ta lừa không thì không nói làm gì, đằng này bố còn ôm một khoản nợ lớn, cuối cùng mỗi người phải đứng ra gánh vác một khoản nợ. Đến nước này, người chịu thiệt thòi đương nhiên là những người thật thà và bố bỗng trở thành "con vật thế tội".
Kể từ đó, cứ có người đến đòi nợ là bọn họ lại đẩy hết sang bố, nói bố là người chịu trách nhiệm. Tội nghiệp bố, một người trước nay vẫn luôn vui vẻ, nhiệt tình bỗng trở nên trầm mặc, sợ nhìn thấy người, chủ nợ tìm đến nhà, bố không trốn mà nhẫn nhịn để người ta chửi bới, quát nạt. Bố thật là, tự nhiên lại lãnh luôn cả khoản nợ của người khác, một khoản lớn như vậy làm sao bố trả nổi, mà kẻ đi đòi nợ chỉ quan tâm đến tiền chứ đâu cần biết người đó là ai.
Ngày nào chúng cũng đến nhà tìm bố, bị dồn đến bước đường cùng, cuối cùng bố đành chạy vạy khắp mọi người thân, bạn bè để thanh toán những khoản nợ "trên trời" đó. Mấy ngày bác hai ốm mà vẫn có người kéo đến đòi nợ, trong tình thế hoảng loạn và đau khổ, bố vì muốn bảo vệ bác hai và đối phó với chủ nợ nên đã gọi điện hỏi vay tiền tôi.
Tiền tôi đã mang về đây nhưng thực sự trong lòng vẫn còn ấm ức lắm, việc gì bố phải gánh những khoản nợ trời ơi đất hỡi đó chứ. Nhìn bố khom lưng cõng bác hai tôi mới chợt nhận ra rằng, bố đã già. Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh một người bố mạnh mẽ, kiên cường giờ đã thật sự già yếu. Tôi chợt bừng tỉnh, tôi không thể trách bố, bố không sai, sai là bởi lòng người thay đổi. Huống hồ, việc bố mở xưởng cũng là muốn tích lũy chút vốn cho tôi lập nghiệp và xây dựng gia đình sau này. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, ông trời không có mắt thì cũng chẳng làm được gì cả, tôi lấy lý do gì mà trách bố được chứ.
Mọi người trong họ đều thấy tội nghiệp thay cho bố, bị người ta ăn hiếp mà cũng không một lời oán trách. Thực ra không cần nghe ngóng tôi cũng biết, dù có gắn thêm cho bố hàng ngàn lá gan nữa thì bố cũng chẳng đủ can đảm làm hại ai đâu. Người trong làng đều bảo bố đáng thương. Đồng tình với kẻ yếu đó vốn là bản tính tự nhiên của con người. Nhưng những kẻ đòi nợ thì khác, đứng trước một con người trung hậu như bố chúng cũng sẽ trở mặt, chỉ biết đến tiền mà không cần đến đạo lý. Sự đời vốn dĩ vẫn vậy chứ không phải tôi vì chuyện của bố mà quay ra bới lông tìm vết bọn họ. Tôi biết rất rõ rằng, những người đáng thương ắt có những chỗ đáng giận, tôi không thể vì chuyện riêng mà oán trời trách đất, bảo vệ cái chưa phải của bố.
Bác hai ốm nằm đó, những kẻ đòi nợ thì cứ 2, 3 hôm lại đến một lần. Bố vẫn tâm trạng đó, những lúc một mình, toàn thân bỗng trở nên đờ đẫn, đôi mắt như nhìn thấu nỗi đau của người bệnh và sự lạnh lùng của thói đời. Tôi buồn lắm nhưng chẳng biết làm cách nào để chia sẻ. Tôi thật không may mắn vì không được thừa hưởng cái gien trung hậu, thật thà của bố. Giờ đây tôi đã 30 tuổi, lập nghiệp xây dựng gia đình với tôi không phải là một giấc mơ bé nhỏ.
Đôi lúc tôi cũng vẫn than vãn số phận bất công, ở đời toàn những kẻ phi pháp thì giàu có còn những người lương thiện thì lại nghèo khổ. Than thì than vậy nhưng tôi không trách móc gì cả, bởi tôi biết rất rõ rằng cuộc sống đâu phải chỉ lấy vật chất, sự giàu có ra để đo lường, trong vạn vật chúng sinh, đại đa số vẫn đang tồn tại một cách bình thường đấy thôi. Bố vẫn lấy câu "anh trai giống như một người cha" để dạy tôi về đạo hiếu của bậc làm con làm cháu. Và cho dù bố vẫn nhắc đi nhắc lại câu: "Trăm nhịn thành vàng" để cho tôi thấy sự yếu đuối của bố thì bố vẫn là bố của tôi.
Tôi quyết định rồi, đợi lo liệu xong việc của bác hai tôi sẽ đón bố mẹ lên Hà Nội ở cùng. Tôi không thể mang lại cho bố mẹ một cuộc sống sung túc, giàu có nhưng tôi có thể cho họ những ngày tháng cuối đời thật vui vẻ và thoải mái.
Khánh Chi (tổng hợp)