Sống khoẻ

Bệnh đàn ông – Vì sao không chịu đến bệnh viện?

Mặc dù nhận thức của cộng đồng về bệnh nam khoa đã được nâng lên rất nhiều so với 10 năm trước, nhưng so với các chuyên ngành khác thì hầu hết nam giới đều e ngại khi nói về những căn bệnh của các quý ông.

Một ca bệnh mới đây, chỉ vì chủ quan, ngại đi khám khi thấy vùng bẹn đau tức, người đàn ông 38 tuổi suýt phải cắt ruột vì biến chứng nghẹt quai ruột kèm thoát vị bẹn trái. Tại Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, phát hiện khối phồng bẹn trái nhiều năm nay, không đau tức, khối lúc xuất hiện, lúc không, dùng tay ấn vào thì khối biến mất.

Do tâm lý chủ quan, khối phồng lại nằm ở vùng tế nhị nên thanh niên này ngại ngần chưa đi khám và điều trị. Đến khi đau quặn dữ dội vùng bẹn trái, bệnh nhân mới tức tốc đến viện. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoát vị bẹn trái và biến chứng nghẹt quai ruột và phải mổ cấp cứu. Sau những nỗ lực của các thầy thuốc, bệnh nhân may mắn bảo toàn được đoạn ruột bị nghẹt.

Một trường hợp điển hình khác là nam thanh niên bị xoắn tinh hoàn, đau nhiều nhưng lại ngại đến bệnh viện. Chính vì tâm lý đó, anh này phải đối mặt với nguy cơ bị hoại tử tinh hoàn, thậm chí có thể phải cắt tinh hoàn.

Các bác sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính phẫu thuật cấp cứu cho một trường hợp.
Theo các bác sĩ, đây không phải là những trường hợp hiếm gặp. Rất nhiều đấng mày râu khi phát hiện các khối bất thường vùng bìu bẹn, sinh dục hoặc gặp phải tình trạng rối loạn cương dương, đau dương vật kéo dài, "chưa đến chợ đã hết tiền"… lại hay có tâm ngại ngùng, xấu hổ không dám đi khám. Hoặc đi khám tại các cơ sở không đảm bảo an toàn, điều này đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, trong đó có cả những di chứng suốt đời.


"Khi tôi mới vào nghề, nhận thức của người dân về bệnh nam khoa còn thấp. Mọi người thường cho bệnh nam khoa là bệnh nghiễm nhiên xảy ra do tuổi tác, nên chấp nhận sống chung vì ngại đi khám ở bệnh viện. Họ không đến bệnh viện khám vì nhiều lý do, nhất là tâm lý là người trụ cột gia đình, là "phái mạnh", "cậu nhỏ" không được quyền ốm yếu… Chỉ đến khi mắc bệnh nặng, các quý ông mới tìm đến bệnh viện để giải quyết hậu quả.

TS. Nguyễn Hoài Bắc – Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, BV Đại học Y Hà Nội.
Một lý do nữa phải kể đến là các quý ông không thích đi khám bệnh nam khoa ở các cơ sở y tế công lập vì cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu dịch vụ; tình trạng quá tải khi chờ khám, chữa bệnh…" – chuyên gia Nam học Nguyễn Hoài Bắc nói.

Thực tế những năm gần đây cho thấy, nhu cầu khám chữa bệnh nam khoa của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, dù các mặt bệnh nam khoa khá phổ biến nhưng chúng nằm rải rác ở các chuyên khoa khác như: nội tiết, sản khoa, tiết niệu, lão khoa… Nam giới khi mắc bệnh lại phải "khám nhờ" ở các chuyên khoa khác gây khó khăn cho việc phát hiện, điều trị. Theo TS. Bắc, điều này cho thấy việc phát triển và xây dựng đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nam khoa là rất cần thiết.

Đào tạo liên tục nâng cao tay nghề, tạo sự tin cậy
Để làm tốt vai trò của mình và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ giới tính của người dân, các bác sĩ nam khoa phải không ngừng được đào tạo, cập nhật kiến thức về nam học và y học giới tính mới nhất từ trong nước cũng như thế giới.

Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi năm các bác sĩ đều phải cập nhật kiến thức trong chương trình đào tạo liên tục sau đại học (24 tiết học). Do đó, chương trình đào tạo liên tục cập nhật những tiến bộ trong nam học và y học giới tính cung cấp đủ lượng kiến thức cho các bác sĩ.

TS. Nguyễn Hoài Bắc cho rằng, trong thời kỳ số hoá, sự tương tác, tạo dựng niềm tin của bác sĩ với người bệnh là vô cùng quan trọng. Vì thế, chương trình đào tạo y khoa liên tục cập nhật những tiến bộ trong nam học và y học giới tính không chỉ tổng hợp những thông tin mới nhất của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung về nam học, mà còn trang bị cho các bác sĩ nam khoa kỹ năng đối mặt với khủng hoảng truyền thông, tiếp thị dịch vụ y tế, xây dựng thương hiệu cá nhân… Từ đó, các bác sĩ nam khoa sẽ có cách làm việc chuyên nghiệp, chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân.

Ông Đinh Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế) nhấn mạnh, hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở Việt Nam ngày một tăng cao, trong khi Nam học vẫn là 1 ngành non trẻ. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành trên thế giới về lĩnh vực này, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ đào tạo được các bác sĩ có kỹ năng, chuyên môn sâu để chăm sóc sức khoẻ cho người dân tốt hơn. Đây cũng sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng, tạo sự tin cậy cho người bệnh, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh nói chung và trong lĩnh vực nam khoa nói riêng.

Theo Phó Vụ trưởng Đinh Anh Tuấn, với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật và thông tin hiện nay, các nhà khoa học ước tính trong tương lai tri thức của nhân loại sẽ đổi mới khoảng 50% trong một chu kỳ thời gian là 2,5 năm. Tốc độ này còn có thể nhanh hơn đối với y khoa.

Bên cạnh đó, sau khi tốt nghiệp trường y, kiến thức học được nếu không được ôn tập, sử dụng cũng sẽ mất đi theo thời gian. Do đó, nếu không có những hoạt động học tập củng cố kiến thức đã được dạy và cập nhật các thông tin kiến thức mới, nhân viên y tế sẽ không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

"Tất cả cán bộ y tế đang hoạt động trong lĩnh vực y tế luôn phải được đào tạo cập nhật về kiến thức, kỹ năng, thái độ trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của mình để không ngừng nâng cao kiến thức và tay nghề. Các chương trình đào tạo y khoa liên tục (CME) trong Nam khoa là một hoạt động đặc thù và chuyên biệt, vừa đào tạo và cập nhật những chuyên môn mới nhất cho người học, vừa đào tạo các kỹ năng mềm cho các bác sĩ lâm sàng nhằm giúp phát triển năng lực nghề nghiệp của nhân viên y tế chuyên ngành nam khoa và các chuyên ngành liên quan với mục tiêu cuối cùng là cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người bệnh" – BS. Đinh Anh Tuấn nói thêm.

Bách Nguyên (Theo suckhoedoisong)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram