Bạn có biết rằng có những thực phẩm hàng ngày tưởng chừng vô hại nhưng lại đang âm thầm tàn phá thận của bạn còn hơn cả bia rượu?
Ngoài những thói quen không tốt như nhịn tiểu hay ít uống nước, chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thận. Khi đề cập đến những thói quen ăn uống có hại cho thận, nhiều người thường nghĩ ngay đến việc tiêu thụ nhiều rượu bia.
Theo Tổ Chức Thận Anh Quốc, việc thường xuyên uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận lên gấp đôi. Điều này là do thận có chức năng chính là lọc máu, và rượu bia làm giảm khả năng thực hiện chức năng này. Hơn nữa, việc uống nhiều rượu còn dẫn đến tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến khác của bệnh thận.
Tuy nhiên, bia rượu không phải là yếu tố duy nhất trong chế độ ăn uống có thể gây hại cho thận. Dưới đây là 4 loại thực phẩm mà nếu tiêu thụ nhiều, chúng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thận, tương đương với tác hại của việc uống nhiều bia rượu:
Các món ăn chứa nhiều muối
Thận có vai trò quan trọng trong việc cân bằng nước và muối khoáng trong cơ thể. Khi tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều muối trong thời gian dài, hàm lượng natri trong máu sẽ tăng lên, buộc thận phải làm việc vất vả hơn để loại bỏ khoáng chất này khỏi huyết thanh. Điều này dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp, tạo áp lực lớn lên các mạch máu ở thận, ảnh hưởng xấu đến chức năng lọc của thận và thúc đẩy quá trình tiến triển của bệnh thận mạn tính.
Không chỉ vậy, việc tiêu thụ quá nhiều natri còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Vì thế, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều muối là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ thận và cải thiện sức khỏe tổng thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người trưởng thành nên hạn chế tiêu thụ natri, không vượt quá 2g mỗi ngày, tương đương với khoảng 5g muối.
Nước ngọt có ga
Việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, đặc biệt là nước ngọt có ga, có thể gây hại nghiêm trọng cho thận nếu sử dụng quá mức.
Theo Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ, nước ngọt có chứa lượng đường rất cao. Một lon nước ngọt 350ml có thể chứa đến 7 muỗng cà phê đường, trong khi lượng đường tối đa mà một người trưởng thành nên tiêu thụ mỗi ngày chỉ là 5 muỗng cà phê. Đối với trẻ em, con số này thậm chí còn thấp hơn, chỉ khoảng 3 muỗng cà phê.
Nghiên cứu từ Đại học Y khoa Osaka (Nhật Bản) cũng cho thấy, việc thường xuyên uống 2 lon nước ngọt mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ suy thận. Nguyên nhân là do khi nước ngọt được hấp thụ vào cơ thể, nó sẽ làm tăng lượng muối trong máu và protein trong nước tiểu, từ đó dẫn đến suy thận. Hơn nữa, chế độ ăn uống nhiều đường cũng dễ dẫn đến bệnh tiểu đường - một yếu tố nguy cơ lớn gây ra các vấn đề về thận.
Protein động vật
Việc ăn các thực phẩm chứa protein động vật là cần thiết cho cơ thể, nhưng cần phải duy trì ở mức độ hợp lý. Tiêu thụ quá nhiều protein động vật trong thời gian dài có thể dẫn đến những hệ quả xấu cho sức khỏe, đặc biệt là gây tăng áp lực lên hệ thống trao đổi chất và thận.
Khi protein bị phân hủy trong cơ thể, chất thải chứa nitơ được tạo ra và phải được thải qua nước tiểu. Nếu chế độ ăn uống chứa quá nhiều protein, lượng nitơ bài tiết sẽ tăng cao, gây gánh nặng cho thận. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thận mà còn có thể dẫn đến tổn thương thận, suy giảm chức năng thận, và phát sinh các bệnh lý nguy hiểm khác.
Việc ăn các thực phẩm chứa protein động vật là cần thiết cho cơ thể, nhưng cần phải duy trì ở mức độ hợp lý
Thực phẩm giàu caffeine
Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương phổ biến, có mặt trong cà phê, trà, nước ngọt có ga, một số loại thuốc, và đồ ăn vặt. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa caffeine có thể gây hại cho thận.
Trước hết, thực phẩm giàu caffeine có thể dẫn đến tăng huyết áp, gây tổn thương các mao mạch nhỏ bên trong cầu thận, làm suy giảm chức năng lọc máu của thận. Bên cạnh đó, caffeine kích thích dạ dày tăng tiết axit, ảnh hưởng đến cân bằng acid-base của cơ thể, trong đó thận đóng vai trò quan trọng. Hơn nữa, caffeine làm tăng nồng độ các khoáng chất như canxi, magie, và natri trong nước tiểu, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận và thúc đẩy tiến triển của suy thận mạn tính.
Đối với người khỏe mạnh, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine mỗi ngày, tương đương với khoảng 750ml đến 1.000ml cà phê.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)