Giải trí

Ra mắt cuốn "Một thời mạ Huế" của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà

Sinh ra và lớn lên tại An Cựu, thành phố Huế, trong quá trình công tác, tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà đã gắn bó hơn 30 năm với Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế. Mới đây, Chibooks giới thiệu cuốn "Một thời mạ Huế" của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà.

“Đi hết biển là tới làng mình...” Có thật vậy không, Hà ơi? 

Có lần, tôi đã tâm sự với Hà: Theo tôi, thể loại khó nhất trong văn chương chính là tản văn, có vẻ như dễ dàng tùy hứng mà lại đòi hỏi nội lực thâm hậu vô cùng. Mà còn là tản văn về Huế, bao nhiêu danh sĩ xưa nay – Thanh Tịnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Tường Bách, Quế Chi Hồ Đăng Định... đã viết, bao nhiêu cái sâu sắc, uyên bác, dường như các vị ấy đã khai thác hết.

Vậy nhưng Hà không ngại! Hà còn nhiều điều để nói, để kể. Mà kể theo cách của Hà, giọng của Hà: Một giọng Huế chay, hiền lành, nhỏ nhẹ, thủ thỉ. Cầm trên tay một tập dày bản thảo, ban đầu, tôi cũng thấy ngại nhưng rồi đã đọc một mạch hết bốn mươi tản văn. Những dòng chữ này, tôi biết Hà đã say sưa viết bên ánh đèn đêm, sau những chuyến đi đó đi đây trên rất nhiều làng quê, khu phố. Là người làm phim, Hà biết nhiều chuyện, qua nhiều vùng, có nhiều kỷ niệm.

Đây là cuốn sách thứ hai của Diệu Hà. Tập đầu “Ở xứ mưa không buồn” đã phát hành hết sau khi ra mắt. Tập thứ hai này cũng cùng đề tài nhưng thác ngụ nhiều tâm tư hơn, nhiều đoạn đi sâu vào cảm xúc, trăn trở về đời người và phận người.

Tôi đã đọc và nhớ lại nhiều thứ trong những ngày ở Huế. Trang viết của Hà nhắc nhớ lại mùi thơm của nhựa lá từ hàng chè tàu được cắt xén trước Tết, mùi lá chuối chín tỏa lan từ thùng bánh tét giao thừa, mùi vải phin mới thơm thơm trên áo trẻ con... Hà nhắc tôi nhớ hình ảnh hiền từ của bác Song nghệ nhân may áo dài Huế: “Tui là đàn ông, may áo dài cho đàn bà, thầy tui dặn cách đo áo cũng phải ý tứ, đứng sau lưng hay một bên, tránh đụng chạm, đó là đạo đức của nghề.” Hà nói về hương vị và bí quyết nấu những món ăn một cách tỉ mỉ, khiến ai đọc cũng phải thèm. Như món bún giấm nuốc, một tuyệt phẩm dân gian mà chắc ai đến Huế cũng từng thưởng thức rồi. Nhưng phải đi với Hà mới biết là nuốc chỉ hiện ra trên biển vào tháng Ba, tháng Tư âm lịch, vì vậy, món bún giấm nuốc “thứ thiệt” là một lời hẹn theo mùa, phải có duyên mới gặp. Đừng vội cả tin nghe ai đó nói “bây giờ, bún giấm nuốc đã có quanh năm” mà ăn nhầm “bún sứa” đó, bạn ơi!

Không chỉ nhớ lại, Hà còn giúp tôi biết thêm được nhiều điều. Những chén chè Huế đủ kiểu, từ cung đình đến dân gian, tôi cứ nghĩ mình đã nếm đủ hết – kể cả những món xưa chỉ dành cho vua quan như chè bột lọc thịt quay, hạt sen nhãn lồng... nay cũng đã ở trong tầm với của mọi người. Nhưng hóa ra vẫn còn một món ít ai biết, đó là chè “cá rô đồng”, độc chiêu bí truyền mà đến nay, “chỉ còn một hậu duệ nhiều đời của Vua Minh Mạng là có thể nấu được”. Hà nói về món ăn, mà thật ra là nói về con người, về đạo sống. Món ăn chất chứa tình thương yêu của người bán, người nấu và cả người thưởng thức, bởi theo Hà, trước khi “gây thèm” thì đã “gây nhớ, gây thương”.

Hà cũng dành những trang viết cho những người phụ nữ Huế xưa và nay, từ bà thái hậu nổi tiếng phúc đức hiền minh cho đến những cung tần mỹ nữ vô danh trong Đại Nội. Dù hữu danh hay vô danh, cuộc đời họ đều chất chứa một nỗi niềm. Hà kể chi tiết về cuộc đời, tình duyên và con cháu của Hoàng phi Mai Thị Vàng, người vợ chung thủy của vị hoàng đế lưu vong: “Hơn sáu mươi năm giữ tròn chữ tiết hạnh, nàng Vàng của Vua Duy Tân, nàng có sợ gì không, nàng có khóc nhiều không, nàng cô đơn như thế nào?”

Đọc văn của Hà cứ như đang nghe Hà nói chuyện, lúc nào cũng thấy một cảm giác ấm áp lạ lùng bởi một vẻ thân thiện hiền hòa trên mắt, trên môi. Có lẽ trong lòng Hà luôn có một suối nguồn tươi mát chảy qua từ cái tâm từ ái của người mẹ Huế: “... Mạ chỉ là một bà mạ quê thôi, nhưng với con, mạ là một vị Phật.” (Trích bài “Mạ là Phật của con”.)

“Đi hết biển là tới làng mình” – câu nói tưởng chừng thơ ngây mà gợi biết bao cảm xúc về hai chiều Đi và Về của đời người. Từ chỗ tôi ở tại San Francisco, chỉ đi bộ hai mươi phút là đến Thái Bình Dương. Chiều nay ra bãi biển, ngồi đọc lại bản thảo của Hà, tôi cũng nhìn ra khơi và nghĩ: Nếu vạch một đường thẳng chạy dài, chạy dài mãi từ đây thì chỗ tiếp bờ chính là miền Trung Việt Nam, nơi có nhà tôi, quê tôi, Huế của tôi. Bây giờ là mùa thu, chắc ở đó, hoa Chá đang nở vàng khắp con Rú, đẹp như bức tranh mùa thu của Levitan, theo như lời tả của Hà. Chắc ở đó vẫn còn ngôi nhà tranh của đôi vợ chồng “Robinson xứ Huế”, hai con người “lập dị” đang trải qua mùa thu thứ ba mươi sáu trong vùng rừng ngập mặn hoang vu. Tôi cũng thấy hiện ra những cây ngô đồng đơm hoa vào mùa xuân bên những mái ngói rồng phượng; thấy lại đường lên Huyền Không Sơn Thượng mà nay nghe Hà giải thích, tôi mới biết Huyền Không nghĩa là “Treo một chữ Không ở giữa trời” ...

Tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà

Và ở đây, nhìn qua biển, tôi thấy Hà đang ngồi viết. Bốn mươi tản văn này, tôi biết Hà đã viết trong những ngày đông bão nhất của đời Hà. Vậy mà vẫn thanh thản, êm đềm, thuần phác trong từng câu chữ, bởi khi ngồi vào bàn viết, Hà đã dựa vào sự lắng đọng của một chữ “Tâm”. Hà viết về những phong tục, tập quán, những thành tựu văn hóa đang dần mất đi nhưng không thở than hoài cổ, chỉ dịu dàng góp nhặt, nâng niu từng chút kỷ niệm. Hà không sợ cái khó của tản văn, vì Hà viết có phải để đua chen hay mong cầu gì đâu! Viết cũng như tình yêu, là dấn thân. Mà đã nói đến dấn thân nghĩa là chẳng sợ gì hết. Chỉ biết rằng mình viết vì thèm nói, thèm viết về những gì mình luôn ôm nơi ngực, ủ trong lòng, những gì yêu dấu nhất. Có phải vậy không, Hà ơi?

Linh An

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram