Những năm 80 của thế kỷ trước, công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô biết đến Phan Minh Châu như một ca sỹ tài năng của phong trào tiếng hát sinh viên. Tuy nhiên chỉ sau đó một thời gian ngắn, tiếng hát ấy đã gần như không còn vang lên, bởi chị đã chuyển sang làm đào tạo, bồi dưỡng phong trào âm nhạc tại Hà Nội ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.
Những năm gần đây, Phan Minh Châu tái xuất trong nghệ thuật, nhưng lần này trong một diện mạo mới, bởi chị đã chuyển sang hội họa. Bước chuyển ấy, không còn là cuộc dạo chơi, mà là một hành trình nghiêm cẩn, bởi với chị, nghệ thuật đã là hơi thở.
Nếu có thể, chúng tôi muốn chị ngược dòng thời gian về những ngày mà công chúng, nhất là sinh viên thủ đô, đều biết đến tiếng hát của chị? Ngày ấy, chắc chắn là niềm đam mê ca hát của chị thật cháy bỏng?
Tất nhiên rồi. Tôi không biết các ngành nghề khác, chứ với âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, chắc là phải có sự đam mê. Từ khi tôi đang là sinh viên, thích hát lắm, cứ thập thò trước cửa nhà thầy Quý Dương (NSND Quý Dương) mà tìm kiếm cơ hội xin học. Ngày ấy, sinh viên nên nghèo, các thầy cũng tốt, chẳng lấy tiền, bù lại phải làm việc nhà cho thầy coi như bù lại (cười). Thời ấy ai cũng nghèo nhưng tình người thì sâu đậm lắm. Được các thầy chỉ dậy, lại thêm chút năng khiếu và tất nhiên là khổ luyện, tôi bắt đầu tự tin hẳn. Ca hát thời ấy trong giới học sinh sinh viên thì rất mạnh, ngay một cuộc thi cấp trường đại học cũng có rất nhiều giọng ca vàng mười. Tôi cũng tự tin đi thi và đạt giải nhất cấp trường, rồi bắt đầu lên cấp cao hơn.
Đúng vậy. Đến năm thứ 3 đại học, tôi đã tham gia nhóm Ca khúc sinh viên do anh Hồ Đức Việt, lúc đó là Trưởng ban Trường học TƯ Đoàn tổ chức, quy tụ các giọng ca đạt giải nhất trong các trường. Cũng trong thời gian ấy, tôi lại đạt giải Nhất trong một cuộc thi hát tương tự như Sao Mai điểm hẹn bây giờ, mà cuộc thi đó Hồng Nhung đạt giải nhất. Từ đó thì ước muốn thành ca sỹ chuyên nghiệp đã không còn là ước muốn, mà tôi đang thưc hiện dần từng bước.
Có rất nhiều lý do, nhưng tôi tóm tắt lại là do không đủ duyên. Mà một khi đã không đủ duyên thì không nên níu kéo. Và tôi cũng chẳng luyến tiếc gì nhiều lắm. Bởi sau này, tôi vẫn có cơ hội tham gia hoạt động âm nhạc với tư cách người dàn dựng, giám khảo các cuộc thi ca hát quần chúng và bán chuyên, góp phần đào tạo ra những ca sỹ phong trào để làm bệ phóng cho họ sau này tiến lên con đường chuyên nghiệp. Những năm làm việc ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, ngoài các bộ môn nghệ thuật khác như múa, kịch nói..tôi cũng đã làm việc với nhiều nhạc sỹ, ca sỹ mà sau này rất nhiều người trong số họ trở thành những tên tuổi trong làng tân nhạc. Thế nên, tôi nghĩ, mình cũng đã gắn bó quá nhiều năm với âm nhạc, cũng làm được nhiều việc cho công chúng, đâu cần phải là chỉ cống hiến giọng hát trên sân khấu (cười).
Điều này thì thú thật là tùy mỗi người thôi. Thế nhưng, với ai đã từng cộng tác với tôi, chắc hẳn họ cũng không ngạc nhiên cho lắm. Bởi trừ việc kiếm sống chăm lo gia đình là công việc đòi hỏi sự chỉn chu và không có chỗ cho cảm hứng, thì tôi luôn háo hức với những cuộc chơi. Mà không phải chỉ là một cơn háo hức thoáng qua, tôi có thể háo hức cho đến khi nào cảm thấy hết duyên, chứ không do tôi chán. Thời gian say mê nghệ thuật còn không đủ, lấy đâu chỗ cho sự chán chường. Cho dù, để yên tâm say mê, tôi đã phải kinh doanh, phải bươn chải để lo cho cuộc sống tạm gọi là ổn định về vật chất. Bởi như mọi người đều thấy, cơm áo thì không đùa với khách thơ, chưa nói đến khách hội họa vốn cần rất nhiều họa phẩm đắt tiền để đảm bảo chất lượng tranh vẽ.
Để trả lời rành rọt câu hỏi này, tôi nghĩ có khi lại lắt léo giống câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước mất thôi. Nói ngắn gọn thế này, tôi cũng chẳng cần phải nhớ hai đề tài ấy có từ lúc nào, chỉ biết rằng đến tận bây giờ, tôi vẫn đam mê với hai đề tài ấy, càng vẽ càng thấy muốn vẽ tiếp, càng vẽ càng ngẫm ra được nhiều điều. Thật ra nhiều người nói với tôi, đi đến tận cùng một đề tài nào đó cũng là cách để tạo dấu ấn riêng, chẳng hạn cứ nhắc đến tranh về cầu Long Biên là nhắc đến tôi. Thật ra trước đó tôi cũng không nghĩ đến điều này, nhưng khi có gợi ý như vậy, tôi cũng sẽ cố gắng tiếp tục xem sao. Nghệ thuật thì không có giới hạn, chính vì thế người ta mới yêu và say mê nghệ thuật.
Chị vừa nói đến sự không giới hạn của nghệ thuật, phải chăng đó cũng là phương châm để chị định vị mình trong cuộc chơi hội họa này?
Cũng không hẳn là như vậy, bởi xét cho cùng, ai rồi cũng đến giới hạn của mình. Chỉ là tôi nghĩ, mình sẽ chơi theo cách của mình, bung hết sức, để một ngày nào đó gặp lại chính con người mình tưởng đã không bao giờ còn trở lại. Đó cũng là lý do mà tôi hay vẽ cầu Long Biên, một cây cầu mà luôn trong ký ức của tôi, cho dù ngày hôm nay cây cầu ấy vẫn đứng sừng sững. Con người ta hay lắm, lúc trẻ muốn mau trưởng thành để đến khi trưởng thành rồi lại tìm về ký ức. Và tôi, may mắn nhờ có hội họa, để tìm lại ký ức trong trẻo của mình, rồi chia sẻ với người khác qua những bức tranh.
Cảm ơn họa sỹ Phan Minh Châu, dù chị không muốn được gọi như vậy, bởi theo chúng tôi, những bức tranh của chị ở đây đã định vị chị là họa sỹ. Chúc chị sức khỏe và nhiều thành công trong sáng tạo hội họa hơn nữa.
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng