Cảm giác nóng ở vùng bụng dưới có thể là một rối loạn cơ năng tạm thời và thoáng qua hoặc có liên quan với một số bệnh nghiêm trọng. Đây có thể là triệu chứng trong nhiều bệnh cảnh khác nhau và trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán xác định và can thiệp sớm là điều cần thiết.
Sau đây là các nguyên nhân có thể dẫn đến cảm giác nóng vùng bụng dưới và cách xử trí:
HCRKT có thể được điều trị bằng thuốc chống tiêu chảy, thuốc chống co thắt, thuốc nhuận tràng, thuốc chống trầm cảm và các thuốc khác. Bạn cũng có thể thử một số biện pháp khắc phục tại nhà, bao gồm tránh các loại thực phẩm gây tiêu chảy và đầy hơi, như đậu và rau cải.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa thường gây đau dữ dội ở phần bên phải của vùng bụng dưới. Các triệu chứng liên quan khác là: đau vùng hố chậu phải; đau tăng lên khi bước đi, cười, hoặc co gập chân phải; buồn nôn, nôn ói; sốt; ăn mất ngon; đầy bụng và cảm giác nóng vùng bụng dưới.
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là chỉ định bắt buộc. Có thể được thực hiện thông qua phẫu thuật mở bụng hoặc phẫu thuật nội soi.
Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là một nhiễm khuẩn có ảnh hưởng đến các cơ quan sinh dục nữ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục, lây lan từ âm đạo đến tử cung, buồng trứng, hoặc ống dẫn trứng. Các triệu chứng của bệnh này bao gồm: cảm giác nóng ở vùng bụng dưới; sốt; đau khi quan hệ tình dục; lượng máu kinh bất thường; đau trong vùng chậu; có mùi hôi ở vùng sinh dục ngoài; đi tiểu khó khăn và đau đớn.
Điều trị viêm vùng chậu sử dụng các kháng sinh khác nhau. Các trường hợp nặng có thể cần đến thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch. Có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm này bằng quan hệ tình dục an toàn và điều trị triệt để nhiễm khuẩn sinh dục cho đối tác.
Lạc nội mạc tử cung
Đây là một rối loạn gây ra đau đớn do sự tăng sinh của nội mạc tử cung. Bệnh này thường liên quan đến ống dẫn trứng, các mô của khung chậu và buồng trứng. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Triệu chứng chính của bệnh lạc nội mạc tử cung là cảm giác nóng xung quanh vùng bụng dưới, đặc biệt là trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng khác bao gồm chảy máu âm đạo quá mức, đau khi quan hệ, đau do co thắt ruột…
Nếu không có kế hoạch mang thai, bạn có thể sử dụng hormon ngừa thai hoặc thuốc chống viêm để giảm các triệu chứng. Có thể can thiệp phẫu thuật tùy theo mức độ nghiêm trọng và chỉ định của chuyên khoa phụ sản. Việc thụ tinh ống nghiệm có thể là giải pháp cuối cùng nếu khó mang thai sau khi đã áp dụng các điều trị khác.
Hội chứng Mittelschmerz
Hội chứng Mittelschmerz đặc trưng với cơn đau và nóng ở vùng bụng dưới, chủ yếu xảy ra trong quá trình rụng trứng hay giữa chu kỳ kinh. Các triệu chứng bao gồm: đau nhói; đau co thắt; đau đột ngột; các cơn đau kèm theo chảy máu âm đạo nhẹ.
Việc điều trị có thể dùng các loại thuốc giảm đau như aspirin, acetaminophen, natri naproxen, hoặc ibuprofen. Bác sĩ có thể kê toa thuốc tránh thai nếu người bệnh bị đau nặng và kéo dài.
Viêm túi thừa đại tràng
Túi thừa phình to khi bị viêm, thường túi thừa có kích thước nhỏ, nằm trong hệ thống tiêu hóa và gây ra cảm giác nóng ở vùng bụng dưới. Những túi này được nhìn thấy ở vùng dưới của đại tràng. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt; buồn nôn ói mửa; đau bụng dưới, thường xảy ra ở bên trái của bụng, nhưng đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến phía bên phải bụng; tăng nhạy cảm đau vùng bụng; táo bón và trong một số trường hợp có tiêu chảy.
Bác sĩ có thể sử dụng kháng sinh để đối phó với nhiễm trùng; thuốc giảm đau như acetaminophen; chế độ ăn uống lỏng. Có thể can thiệp phẫu thuật nếu không có dấu hiệu cải thiện sau khi đã điều trị nội khoa tích cực.
Nhiễm trùng đường niệu
Nhiễm trùng đường niệu là một bệnh nhiễm trùng có ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu bao gồm niệu quản, thận, niệu đạo và bàng quang. Nhiễm trùng đường niệu chủ yếu ảnh hưởng đến vùng dưới của hệ thống tiết niệu như niệu đạo và bàng quang. Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng niệu hơn. Các triệu chứng bao gồm: nước tiểu có máu; nặng vùng khung chậu; đi tiểu thường xuyên và đau nóng rát; không thoải mái ở vùng bụng dưới.
Nếu nhiễm trùng đường niệu không biến chứng, có thể điều trị một đợt ngắn, bao gồm uống thuốc kháng sinh đường uống trong vài ngày. Nếu nhiễm trùng đường niệu kéo dài và hay tái phát, cần điều trị như sau: dùng kháng sinh liều thấp trong 6 tháng hoặc lâu hơn; dùng một liều kháng sinh sau khi sinh hoạt tình dục nếu nhiễm trùng đường niệu là do quan hệ tình dục; nếu người bệnh là phụ nữ đã mãn kinh, điều trị bằng estrogen đường âm đạo có thể là cần thiết; nếu nhiễm trùng đường niệu nghiêm trọng và kéo dài, cần nhập viện để tiến hành xét nghiệm, tầm soát xác định nguyên nhân (Ví dụ: dị tật đường niệu, thận ứ nước do sỏi…) và can thiệp điều trị triệt để.
Tóm lại, nếu bạn có cảm giác nóng ở vùng bụng dưới, đừng tự chẩn đoán. Hãy đi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Việc thăm khám, tầm soát đầy đủ để xác định nguyên nhân gây bệnh đóng một vai trò rất quan trọng trong điều trị sớm và triệt để các bệnh liên quan; đôi khi sự chủ quan tự điều trị tình trạng nóng ở vùng bụng dưới có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bách Nguyên (Theo Suckhoedoisong)