Ngay từ lúc chính thức khởi chiếu, "Bước chân đầu tiên- First Man\" – bộ phim mới nhất được nhào nặn bởi bàn tay tài hoa của đạo diễn Damien Chazelle đã nhận được vô số lời tung hô từ giới mộ điệu toàn cầu như một tuyệt phẩm hoàn hảo vượt ra mọi giới hạn của thời đại.
Được ca ngợi là một trong những bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất năm 2018, với dàn diễn viên có thực lực và những góc quay đặc tả chân thực đến đáng kinh ngạc đến từ nhà quay phim từng đạt giải Oscar danh giá cho hạng mục "Quay phim xuất sắc nhất" Linus Sandgren, không khó để tác phẩm giành được sự quan tâm của người xem với những phân cảnh đầy ấn tượng. Trong đó, có những phân cảnh mà bất kì ai mang lòng yêu mến dòng phim nghệ thuật cũng không thể nào bỏ lỡ.
Neil Armstrong giải thích lý do tham gia vào dự án Gemini
Trong những thước phim đầu tiên của bộ phim, "Bước chân đầu tiên" đã mang đến cho khán giả một phân đoạn xuất sắc vừa mô tả lại bước ngoặt trong cuộc đời của Neil Armstrong, vừa thể hiện được những nội tâm giằng xé của anh khi quyết định dấn thân vào một trong những sứ mệnh nguy hiểm nhất lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại, đó là khi anh trả lời câu hỏi để ứng tuyển vào vị trí phi hành gia cho dự án Gemini. Chương trình Gemini là chương trình thứ hai trong ba chương trình đưa người lên vũ trụ của NASA là Mercury, Gemini và Apollo. Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển các kỹ thuật du hành không gian để hỗ trợ cho chương trình Apollo, chương trình có mục tiêu đưa người đổ bộ lên Mặt Trăng. Gemini đã thành công với chuyến bay dài ngày đến mặt trăng và quay trở lại mặt đất, thực hiện hoàn hảo các hoạt động thiết bị khi phi hành gia bước ra ngoài không gian, và điều khiển điều chỉnh quỹ đạo tàu cũng như lật ngược và kết nối hai tàu không gian. Mọi chuyến bay có người lái của chương trình Gemini đều được phóng từ mũi Canaveral, Florida bằng tên lửa Titan II GLV .
Trong phim cũng như câu chuyện thật ngoài đời, Neil Armstrong tham gia buổi ứng tuyển này sau cái chết của cô con gái bé nhỏ Karen mà anh hết mực yêu quý. Và sự ra đi của Karen đã tạo nên một tác động tâm lý vô cùng nặng nề đối với Neil, khiến anh quyết định từ bỏ công việc phi công thử máy bay để thử mình vào một lĩnh vực mà anh chưa từng nghĩ tới – phi hành gia vũ trụ. Đoạn hội thoại trong phân đoạn này được diễn ra khá đơn giản với những câu trả lời trôi chảy của Neil về kĩ năng bay, nhưng chỉ đến khi con gái bỗng dưng được đề cập tới trong câu hỏi, anh bỗng khựng lại. Ryan Gosling đã thể hiện một cách xuất sắc ánh mắt tưởng như vô định trong một khoảnh khắc nhưng lại gợi cho người xem một cảm giác đau lòng âm ỉ tưởng như một chiếc dằm đâm sâu dưới lớp da dày, chỉ trực chờ một tác động nhỏ để khiến ta cứ thế nhói đau dù đã cố gắng che giấu.
Janet Armstrong đối chất với Deke Slayton
Phân cảnh này có thể được coi như là một trong những khoảnh khắc vàng của Claire Foy trong vai Janet Armstrong – người vợ mạnh mẽ của phi hành gia quả cảm. Bối cảnh của trích đoạn này là khi Neil Armstrong cùng đồng đội của mình tham gia vào một nhiệm vụ với tên gọi Gemini 8, một sứ mệnh được dự định sẽ thực hiện trong vòng 3 ngày để đưa con tàu không người lái Agena đã được phóng vào quỹ đạo trước đó trở về Trái Đất an toàn, cũng được coi như là tập luyện đưa một con tàu không gian có người lái ra ngoài không gian vũ trụ.
Không hổ danh là nữ diễn viên từng đạt giải Quả Cầu Vàng, bằng đôi mắt xanh biếc tuyệt đẹp, Claire Foy đã khắc họa được Janet Armstrong đầy cương nghị, quyết liệt và mạnh mẽ khi quát thẳng vào mặt vào Slayton đáp lại cho câu trả lời hãy quay về nhà vì mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát. Có lẽ đôi mắt chính là thứ vũ khí lợi hại nhất của Foy khi chỉ từ ánh mắt của cô, khán giả có thể cảm nhận được quá nhiều cung bậc xúc cảm từ sự kiên định đầy mãnh liệt, hay tới sự giận dữ cuồng nộ, hơn thế nữa, chất chứa sâu trong đó còn là sự yếu mềm của một người phụ nữ đang lo lắng tận cùng cho sự sống còn của người bạn đời.
Neil Armstrong thoát chết trong gang tấc trong cuộc thử nghiệm bay
Sau khi bay được khoảng năm phút, anh đột nhiên bị mất kiểm soát. Cả con tàu lắc lư dữ dội mặc cho sự cố gắng của người điều khiển, chỉ trong vài phút con tàu rơi tự do từ độ cao 200 feets xuống mặt đất, trong thời khắc sinh tử, Neil đã nhanh trí thoát thân bằng cách bắn mình ra khỏi con tàu và thả dù phòng hộ. LTV va chạm với mặt đất và gây nên một vụ nổ kinh hoàng.
Về phần Neil Armstrong, dù đã thoát nạn trong gang tấc nhưng vì thả dù ở độ cao quá thấp cộng với sức gió, anh đã bị kéo đi một đoạn dài, khắp người bê bết máu. Với trường đoạn này, khán giả sẽ không ngớt lời khen dành cho tài nghệ của Linus Sandgreen. Những góc quay của anh thực sự khiến người xem như hóa thân hoàn toàn vào từng giây phút nguy hiểm của Neil, cùng thót tim và sợ hãi đến tột độ trong tai nạn nguy hiểm của vị phi hành gia trong một cuộc thử nghiệm cho chuyến hành trình vĩ đại sau đó của mình. Quả thật không chỉ sở hữu dàn diễn viên vô cùng tài năng, phim còn sở hữu một nhà quay phim tài hoa có thể biến thế giới trên màn ảnh rộng trở thành một thực thể hợp nhất với thế giới của người xem bên ngoài.
Linh An