Giải trí

Nhạc sĩ Huy Hùng: Âm nhạc dễ dãi không phải là nghệ thuật đích thực

PV: Các nhạc sĩ trẻ hiện nay làm âm nhạc rất nhanh, nhưng họ chỉ chú trọng đến yếu tố giải trí chứ chưa chú ý đến yếu tố chất lượng. Theo anh thì đó có phải là do nhu cầu và thị hiếu của người xem khiến họ phải chạy theo yếu tố giải trí, hay một phần thế hệ sáng tác nhạc hiện nay còn non kém, cẩu thả?

Nhạc sỹ Huy Hùng:  Có nhiều kiểu "nhạc sĩ", nhạc sĩ được đào tạo bài bản tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp về sáng tác, nhạc sĩ học nhạc cụ nào đó như Piano, Guitar… và những nhạc sĩ viết theo suy nghĩ của họ. Chính vì thế yếu tố chất lượng cũng như giải trí sẽ khác nhau.

Nhạc sĩ Huy Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học năm 2013 và Thạc sĩ năm 2016 chuyên ngành Sáng tác khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Nhạc sĩ Huy Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học năm 2013 và Thạc sĩ năm 2016 chuyên ngành Sáng tác khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Ví dụ, người được học bài bản họ sẽ có những thủ pháp về sáng tác, xây dựng chủ đề, tiết nhịp, tiết nhạc, hòa thanh, hình thức âm nhạc … vào ca khúc ngay từ những nốt nhạc đầu tiên. Người viết theo suy nghĩ, cảm hứng từ một nét giai điệu nào đó vang lên thì những ca khúc đó thường không có tính phát triển, liền mạch của giai điệu, không rõ ràng về hình thức âm nhạc cũng như ca từ bị chồng chéo với cao độ. Rất nhiều ca khúc nhạc trẻ mấy năm gần đây như vậy nhưng thị hiếu người nghe, đặc biệt là giới trẻ họ lại thích.

Anh là nhà sản xuất, nhạc sĩ sáng tác giao hưởng, nhạc nhẹ, biểu diễn Piano, Keyboard. Những ca khúc, tác phẩm đã phát hành: Dòng Sông Thời Gian (Symphony) (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn) (2015), Mưa Thu (Single) (Ca sĩ Hồng Dương thể hiện) (2015), Mãi Không Xa Rời (Single) (Ca sĩ Hà Nguyễn thể hiện) (2016)
Anh là nhà sản xuất, nhạc sĩ sáng tác giao hưởng, nhạc nhẹ, biểu diễn Piano, Keyboard. Những ca khúc, tác phẩm đã phát hành: Dòng Sông Thời Gian (Symphony) (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn) (2015), Mưa Thu (Single) (Ca sĩ Hồng Dương thể hiện) (2015), Mãi Không Xa Rời (Single) (Ca sĩ Hà Nguyễn thể hiện) (2016)

Điều đó không khó hiểu, những ca khúc dễ nghe, dễ thuộc, mang nhiều yếu tố giải trí, tiết tấu đơn giản, thường lập lại giữa các ô nhịp mà người sáng tác không chuyên hay mắc phải. Người nghe không phải ai cũng có một trình độ âm nhạc nhất định để có thể thẩm âm tiết tấu, hiểu được thế nào là chưa tốt. Tuy nhiên thời gian sẽ trả lời, những ca khúc đó có tồn tại trong thời gian dài hay không là dựa vào yếu tố nghệ thuật hay giải trí, xã hội ngày càng phát triển nên âm nhạc cũng sẽ phát triển.

Vào thời công nghệ hiện nay, theo anh thì cách thức sáng tác mới của thế hệ nhạc sỹ mới làm thay đổi thói quen thưởng thức của công chúng mạnh mẽ hay công chúng làm thay đổi gu sáng tác của nhạc sỹ?

Do công chúng dễ dàng đón nhận những ca khúc như thế và cũng do khả năng, trình độ của nhiều "nhạc sĩ" bây giờ, có lẽ bất kì ai, ngay cả người không biết nhạc cũng có thể sáng tác được. Có rất nhiều ca khúc không chất lượng được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, sự đón nhận một cách dễ dãi của phần lớn khán giả đã làm ảnh hưởng đến âm nhạc Việt Nam, nổi bật nhất là về ca khúc thời gian gần đây. Nhiều ca khúc sao chép, đạo nhạc nhưng công chúng vẫn đón nhận, quan tâm, bình luận và chia sẻ rất nhanh, ngược lại ca khúc, âm nhạc nghệ thuật đúng nghĩa thì khán giả họ không quan tâm.

Hiện nay các ca sỹ thường vừa sáng tác vừa hát, điều này có mặt tích cực và tiêu cực gì cho nền âm nhạc Việt Nam?

Mặt tích cực là có nhiều sản phẩm âm nhạc được gửi đến công chúng, nguồn ca khúc sẽ phong phú hơn, nghệ sĩ đa năng hơn. Mặt tiêu cực, như Huy Hùng đã nói ở trên, bây giờ có lẽ ai cũng có thể sáng tác, ca khúc có chất lượng và mang tính nghệ thuật hay không là do những người viết theo cảm xúc, nghĩ sao viết vậy, không theo thủ pháp nào cả và những người sáng tác bài bản.


Hiện nay, sự lộn xộn, pha tạp, chen lấn của thứ nhạc thị trường đang lấn lướt và muốn đánh bật mọi thứ âm nhạc đích thực ra khỏi vị trí vốn có. Phải chăng trong thời đại công nghệ phát triển, thế hệ sáng tác mới đang quá thực dụng trong cách làm âm nhạc?

Thời đại công nghệ phát triển, mở ra một không gian bao la cho nghệ thuật âm nhạc. Trong đó thế hệ sáng tác, nhiều tác giả trẻ hiện nay đang quá thực dụng, vay mượn ý tưởng, nét nhạc, vòng hòa âm mà những người khác đã làm, vì thế giai điệu của ca khúc mới bị ảnh hưởng rất nhiều qua từng nét nhạc. Chúng ta có thể nhận thấy sự lộn xộn, pha tạp, không mới mẻ của nhiều ca khúc trên thị trường hiện nay.


Một phần mềm chỉnh phô chênh cho giọng hát làm lóe lên mơ ước trở thành ca sĩ cho một giọng ca yếu, đó là cách mà đa số các nhạc sĩ (đặc biệt là các ca sĩ tự sáng tác nhạc cho mình) thực hiện. Điều này giúp cho nhạc sĩ có chỗ đứng nhanh hơn. Theo anh thì cách làm này ảnh hưởng thế nào đến nền âm nhạc hiện đại ?

Không chỉ hiện nay mà trước đây vào cuối những năm 90 và đầu 2000 có rất nhiều ca sĩ đang được khán giả biết đến, thậm chí là ngôi sao khi cho ra mắt những single, album, đó là sản phẩm hoàn hảo với giọng hát đã được mix lại. Nhưng đến khi những ca sĩ đó hát live trực tiếp thì lộ rõ giọng hát yếu, chênh phô, không vững về nhịp phách.

Cách làm này ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc của tất cả mọi người, một sản phẩm âm nhạc không như những gì mà khán giả đã đón nhận trước đó khi nghe qua băng đĩa, audio trên các trang mạng hoàn toàn trái ngược với khi họ nghe ca sĩ đó hát live.


Mua những bản beat nhạc sẵn từ các website nước ngoài và sáng tác ca khúc trên những thành phần âm nhạc sẵn có, sử dụng như một cách giải trí với âm nhạc đang được nhiều tác giả Việt Nam vận dụng. Theo anh đó có phải là cách làm nhạc chuyên nghiệp và hội nhập không ?

Đây là cách làm nhạc không chuyên nghiệp và cũng là chiêu trò gây sự chú ý với mọi người để nổi tiếng. Sáng tác là cần phải có kỹ năng, sự sáng tạo của bản thân, không có khả năng chuyên môn về sáng tác nên họ phải đi vay mượn thành phần âm nhạc sẵn có như beat nhạc, hòa âm của người khác.

Nhiều ca khúc nhạc trẻ đang dễ dãi và trở nên tầm thường?

Thời gian qua, nhiều ca khúc có giá trị nghệ thuật bị lấn át bởi những sản phẩm của nhạc thị trường. Rất nhiều sáng tác của những tác giả với giai điệu, ca từ nhạt nhẽo, phản cảm, sao chép xen lẫn tiếng nước ngoài. Giới trẻ dễ dàng đón nhận những ca khúc đó vì đánh trúng tâm lý của họ, ca từ dễ nghe, dễ thuộc, tưởng như rất lãng xẹt lại trở thành hiện tượng trên các trang mạng xã hội.

Huy Hùng cho rằng, âm nhạc dễ dãi không phải là nghệ thuật đích thực, nếu chúng ta chấp nhận và quảng bá cho những sản phẩm âm nhạc như vậy thì ca khúc quần chúng mãi vẫn chỉ là nghiệp dư, tồn tại trong thời gian ngắn rồi sẽ bị lãng quên.

Diệp Anh

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram