Gần đây, trong cộng đồng nhiều người mắc Covid-19 và cúm, có những triệu chứng tương tự nhau như sốt, ho, đau đầu… Làm sao để phân biệt hai bệnh này? Biến chứng, cách điều trị, phòng ngừa khác nhau thế nào?
Hiện nay, không dễ để phân biệt cúm và Covid-19. Về triệu chứng, cả hai bệnh có các biểu hiện tương đối giống nhau như sốt, đau họng, sổ mũi, ho, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ... Riêng Covid-19, một số trường hợp có thêm các biểu hiện đặc trưng như mất khứu giác, vị giác vào ngày thứ 3 hoặc ngày thứ 5.
Tại Việt Nam đang lưu hành nhiều biến chủng phụ mới của Omicron gây Covid-19, trong đó XBB.1.5 và XBB.1.16. Hai biến chủng này có khả năng lây lan nhanh hơn các biến chủng trước đây nhưng độc lực thì không thay đổi.
Với biến chủng XBB.1.16, nhiều người bệnh có đặc điểm là viêm kết mạc với biểu hiện ngứa mắt, ra gỉ mắt khiến cho hai mí dính vào nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh biểu hiện ở từng bệnh nhân có thể không đầy đủ, một số người chỉ có sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi... Do vậy, cách tốt nhất để phân biệt cúm và Covid-19 là xét nghiệm.
Người mắc Covid-19 và cúm đều có thể gặp biến chứng viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển... Riêng với Covid-19, bệnh còn có thể gây ra huyết khối ở một số vị trí như động mạch phổi hoặc hội chứng đáp ứng viêm hệ thống. Nhìn chung, Covid-19 gây ra biến chứng nặng hơn, tỷ lệ nhập viện, tử vong cao hơn so với cúm. Bệnh có thể xảy ra ngay cả ở người khỏe mạnh, trong khi cúm thường nặng hơn ở người có sức khỏe yếu. Ngoài ra, cả cúm và Covid-19 đều có nguy cơ gây ra tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm với một số vi khuẩn, trong đó phổ biến nhất là phế cầu khuẩn.
Về độ lây lan, cả hai bệnh đều lây mạnh nhất một ngày trước khi có triệu chứng. Covid-19 có khả năng lây mạnh hơn và kéo dài trong khoảng 14 ngày, còn cúm có thể lây trong 7 ngày.
Cúm và Covid-19 có thể điều trị triệu chứng tương tự nhau bằng thuốc hạ sốt, bù nước, điện giải. Nếu bệnh diễn tiến nhẹ có thể theo dõi, điều trị tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh. Nếu chuyển nặng, bệnh nhân cần được chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, do tác nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh của cúm và Covid-19 khác nhau nên có một số khác biệt ở thuốc điều trị. Thuốc kháng virus được khuyến cáo dùng sớm ở những đối tượng nguy cơ cao hoặc cần nhập viện do cúm. Thuốc kháng virus cúm không được chỉ định cho người mắc Covid-19.
Ngược lại, thuốc kháng virus SARS-CoV-2 cũng không được chỉ định cho người mắc cúm. Do vậy, bệnh nhân nên cẩn trọng, không tự ý dùng thuốc kháng virus cúm hoặc Covid-19 khi chưa biết nguyên nhân chính xác, đặc biệt là người mắc bệnh nặng, có hệ miễn dịch suy giảm.
Biện pháp phòng bệnh cúm và Covid-19 tương tự nhau như: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, giữ gìn vệ sinh và duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Đặc biệt, mọi người, nhất là những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ có thai... cần tiêm phòng đầy đủ vaccine cúm và vaccine Covid-19 theo khuyến cáo, cũng như các loại vaccine giúp bảo vệ hệ hô hấp khác.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)