Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do virus gây ra. Bệnh cúm rất dễ lây từ người này sang người khác, qua các hạt bụi nước nhỏ có chứa virus do người bị bệnh ho hoặc hắt hơi hay có thể lây do tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, tiếp xúc với đồ vật có virus.
Bệnh cúm đối với người bình thường đã đáng ngại, với bà bầu thì lại càng phức tạp hơn. Vậy bà bầu sẽ phải làm gì khi bị mắc cúm?
Phụ nữ khi mang thai dễ bị lây nhiễm cúm hơn và khi bị cúm thì thường nặng hơn người khác. Điều này có thể lý giải là do cơ thể của thai phụ đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh, hơn nữa, hệ thống miễn dịch suy giảm khi phụ nữ bắt đầu mang thai khiến họ dễ bị nhiễm trùng, mắc ho, cảm lạnh và cúm. Điều đáng lo ngại là không chỉ cúm mà hầu hết những bệnh do virus gây ra ở phụ nữ mang thai thường kéo dài hơn ở những phụ nữ khác. Trung bình một trường hợp bệnh cúm có thể kéo dài từ 3 – 4 ngày. Nhưng với phụ nữ mang thai có thể lâu hơn vài ngày. Một nguy cơ của bệnh cúm đó là có thể dẫn đến viêm phổi do virus. Vì phụ nữ mang thai có nhu cầu ôxi lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi, do đó, viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn nhiều. Còn các triệu chứng khác như sốt, ho khi bị cúm ở phụ nữ mang thai không nặng hơn ở những phụ nữ khác.
Cúm nguy hiểm với thai nhi thế nào?
Phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi. Khi thai phụ sốt cao cộng với độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây nên hiện tượng sẩy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Ngoài ra, thai phụ bị cúm trong 3 tháng đầu có thể dẫn đến những dị tật bẩm sinh ở thai nhi như hở hàm ếch. Các nhà nghiên cứu cho rằng não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong 5 tháng đầu. Nguyên nhân của hiện tượng này là: Các kháng thể cúm của mẹ lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai. Sự hiện diện của những chất liệu gene của virus cúm. Thân nhiệt của mẹ tăng cao. Các thuốc trị cúm có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương của thai nhi. Do vậy, có mối tương quan giữa sự nhiễm cúm của người mẹ trong thời kỳ mang thai với nguy cơ rối loạn tâm thần khi bé trưởng thành.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu mắc cúm
Khi mang thai, đặc biệt là trong thời kỳ ốm nghén, chị em thường cảm thấy rất mệt mỏi và cảm giác đó càng tăng lên nếu bị nhiễm cúm. Tuy nhiên, vì sức khỏe của em bé và của chính mình, bà bầu vẫn nên cố gắng ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung thêm thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Các món ăn bà bầu nên sử dụng khi bị cảm cúm tấn công là các loại súp, cháo, rau xanh và hoa quả. Trong đó, cháo hành tía tô chính là sự lựa chọn hoàn hảo nhất giúp giải cảm, đồng thời cũng có tác dụng chống động thai đối với các mẹ bầu.
Bên cạnh đó, mẹ bầu đang nhiễm cúm có thể tráng miệng bằng những loại hoa quả tươi mát: 1 ly nước cam, vài miếng ổi thơm giòn, những tép bưởi đào căng mọng… Nhâm nhi chút nho khô, nhấp một ngụm trà thơm chát nhẹ cũng cung cấp cho cơ thể bà bầu rất nhiều vitamin C nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch, đẩy lùi cơn cảm cúm và phục hồi nhanh hơn.
Khi bị mắc cúm thì thai phụ cần kịp thời có biện pháp khống chế bệnh, không để lây lan sang người khác, loại trừ mầm bệnh, đồng thời áp dụng các biện pháp hạ sốt thích hợp cho mình như: dùng khăn mát lau người hoặc chườm lên vùng trán, uống nhiều nước ấm, chú ý nghỉ ngơi, giữ ấm cho cơ thể… Khi đang mang bầu, việc dùng thuốc trị bệnh lại không được thoải mái và dễ dàng như bình thường bởi hầu hết các thuốc đều có thể gây hại cho cả mẹ và con cũng như quá trình mang thai. Vì vậy, khi thai phụ có những triệu chứng của mắc cảm cúm, cần đi khám bác sĩ ngay để có hướng điều trị cụ thể, không được tự ý dùng thuốc bừa bãi.
Chị em bầu bí cũng có thể sử dụng chanh và mật ong trộn lẫn hoặc pha chanh với mật ong vào nước ấm giúp trị ho, viêm họng, cách khác là có thể dùng quất + mật ong hấp lên để ăn giúp trị ho nhé!
Người mắc virus cúm thường có các biểu hiện như: sốt tương đối cao (trên 39 độ), lúc nóng, lúc lạnh, đau đầu, toàn thân nhức mỏi, thường thì sau khi hạ sốt sẽ có các triệu chứng như ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng… khiến cho thể lực của người bệnh tiêu hao lớn và hồi phục chậm.
Bách Nguyên (Theo suckhoedoisong)