Một bé trai 4 tuổi vừa được các y bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phẫu thuật thay thủy tinh thể do tai nạn.
Tai nạn bất ngờ
Đang may dở chiếc áo dưới tầng 1, chị Nguyễn Liên không tiện đứng dậy nên đã nhờ cậu con trai út là bé Lê Văn Tiến Dũng (4 tuổi) lên tầng 2 lấy giúp chiếc kéo cắt chỉ. Chưa đầy 5 phút sau, kéo thì không thấy mà chỉ nghe tiếng khóc thất thanh của con. Vội vàng bỏ việc chạy lên tầng 2, trong khi em đang ôm mắt khóc nức nở thì cô chị học lớp 6 lại ra sức “thanh minh”: Hai chị em con chỉ đùa nhau thôi, chẳng may con thả tay ra nên kéo mới đập vào mắt em.
Kiểm tra sơ lược bên ngoài, chị Liên không phát hiện dấu hiệu bất thường ở mắt con cũng không thấy chảy máu. Nhưng để chắc chắn, chị vẫn bồng con đến bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận Dũng chỉ bị xước giác mạc, kê thuốc nhỏ mắt và tiếp tục theo dõi.
3 ngày sau, mắt Dũng bắt đầu đỏ giống như người bị đau mắt đỏ, nhưng mắt không sưng, con cũng không đau. Bố mẹ em lại tức tốc “ôm” con lên bệnh viện tuyến trên. Lúc này Dũng được chuẩn đoán bị rách giác mạc và vỡ thuỷ tinh thể, phải làm phẫu thuật ngay.
Tiến Dũng vui vẻ và thoải mái trước ca phẫu thuật
“Nghe đến đây mà tim tôi rụng rời. Chỉ vì một chút sơ ý mà khiến mắt con đau thế này, tôi hối hận quá.”, chị Liên nghẹn ngào.
Ngày phẫu thuật, Dũng và bố mẹ em có mặt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 từ sớm. Sau khi hoàn tất các xét nghiệm và thủ tục cần thiết, Dũng được đưa vào phòng mổ. “May mắn là con đủ sức khoẻ và điều kiện cần thiết để thay thuỷ tinh thể. Hy vọng rằng từ nay về sau mắt con thích ứng tốt”, bố mẹ Dũng chia sẻ.
Nhìn cậu con trai út chưa tròn 4 tuổi vẫn đang say giấc sau ca phẫu thuật, mắt phải quấn băng trắng kín mít, chị Liên thầm nghĩ giá như người nằm kia là mình…
Vỡ thuỷ tinh thể - nguyên nhân thứ 3 gây mù loà
Ths.Bs Mai Thị Anh Thư – Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, vỡ thuỷ tinh thể là tai nạn mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải trong quá trình lao động, sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân có thể là do mảnh kim loại, hạt thóc, đá dăm, mảnh gỗ hay là các vật sắc nhọn như đũa, kéo… đập vào mắt làm thủng nhãn cầu gây vỡ thuỷ tinh thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Chấn thương ở mắt như vỡ thuỷ tinh thể là nguyên nhân thứ 3 có thể gây ra mù loà vĩnh viễn chỉ sau đục thuỷ tinh thể và glocom.
Tiến Dũng sau ca phẫu thuật thay thuỷ tinh thể tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
Trường hợp của bé Lê Văn Tiến Dũng do đã bị vỡ thuỷ tinh thể nên buộc phải thay thuỷ tinh thể nhân tạo (IOL), giúp bé cải thiện, hồi phục phần nào thị lực cho mắt sau chấn thương. Tuy nhiên sẽ không thể hồi phục hoàn toàn thị lực như cũ.
Để đề phòng các chấn thương về mắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Ths.Bs Anh Thư khuyến cáo mọi người nên chú ý bảo vệ cửa sổ tâm hồn trong các hoạt động lao động, sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ do chúng chưa ý thức được nguy hiểm xảy ra nên người lớn phải hết sức lưu ý, không để trẻ chơi các món đồ sắc nhọn, không vừa cầm đồ chơi vừa chạy sẽ rất nguy hiểm, có thể là nguyên nhân dẫn đến sát thương.
Lưu ý sau khi phẫu thuật thay thuỷ tinh thể:
- Người bệnh có thể cảm thấy ngứa và hơi khó chịu sau vài ngày phẫu thuật
- Không chà xát hoặc day, dụi mắt
- Vệ sinh mắt sạch sẽ và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Có thể sử dụng băng che mắt trong vài ngày đầu sau phẫu thuật
- Tái khám định kì theo lịch hẹn hoặc khi có dấu hiệu bất thường như giảm thị lực, đau mắt kéo dài mặc dù đã dùng thuốc giảm đau, đỏ mắt, xuất hiện nhiều đốm đen trước mắt, buồn nôn, nôn hoặc ho nhiều…
- Mắt có thể hoàn toàn hồi phục trong vòng 8 tuần.
Theo Bệnh viện Mắc Hà Nội 2