Hoa hậu Hà Kiều Anh bật mí, cô là con cháu nhiều đời của vua Minh Mạng và hay được bà nội gọi là \"công chúa đời thứ 7\".
Nhân dịp giỗ bà nội, hôm 26/6, Hà Kiều Anh gây bất ngờ khi kể câu chuyện về dòng dõi của gia đình cô. "Ngày xưa mỗi lần gặp bà nội tôi hay nghe bà dạy: ‘Ngoài việc mang họ Hà của ông nội Hà Văn Lâu con còn là con vua cháu chúa đấy nhé…’. Lúc đó tôi chỉ nghĩ: ‘Bà nội chắc lẩm cẩm rồi. Bây giờ còn ai nhắc đến vua chúa nữa". Tuy nhiên hiện tại, ở tuổi ngoài 40, khi tìm hiểu về gốc gác, cội nguồn của mình, Hà Kiều Anh mới nhận ra những điều bà nội nói hoàn toàn là sự thật. Hoa hậu sinh ra ở Hà Nội nhưng quê gốc ở Huế.
Bà nội của Hà Kiều Anh thời trẻ
"Hôm nay giỗ bà, tuy con không thường xuyên về Huế nhưng trong lòng con bà mãi mãi là vị công chúa cốt cách cao quý nhất. Con tin bà sẽ mỉm cười nơi chín suối, các con cháu sẽ luôn cố gắng sống đúng mực để không hổ thẹn dòng dõi quý phái gia tộc nhà mình. Mấy lần về Huế con cũng đến thăm lăng vua Minh Mạng, thắp hương cho cố cố, thăm phủ Tuy Lý Vương, thắp hương cho cụ cố và cụ ngoại của con. Bà sẽ luôn ở trong trái tim con", Hà Kiều Anh tâm sự.
Thời phong kiến, vua Gia Long là vị vua đầu tiên lập nên triều Nguyễn. Khi vua Gia Long mất, hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm là con thứ tư của ông lên ngôi năm 1820, lấy niên hiệu là Minh Mạng – vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Vua Minh Mạng được người dân miêu tả là thông minh, hiếu học, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, rất chăm lo việc triều chính. Vua Minh Mạng trị vì đất nước 20 năm. Trong 20 năm đó, ông xây dựng và phát triển nước Việt hùng mạnh. Thời vua Minh Mạng trị vì là thời kỳ hoà bình nên ông sử dụng các vị quan văn để trị nước, còn các vị quan võ ông cử đi trấn giữ biên cương và mở rộng bờ cõi phía Nam. Cũng chính ông là vị vua vẽ bản đồ đầu tiên của nước Việt Nam bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông bà nội Hà Kiều Anh được khen đẹp đôi nức tiếng một thời
Vua Minh Mạng có hoàng tử thứ 11 tên là Tuy Lý Vương. Ông Tuy Lý Vương được dân yêu mến gọi là ông quan ba biệt danh: quan Thơ (ông làm thơ rất hay), quan Nông (ông thường hay mặc quần áo nâu hướng dẫn dân làm ruộng), quan Hiếu (ông rất có hiếu với mẹ – ông đã đón mẹ mình khi đó là vợ vua, gọi là Tiệp Phi, về ở phủ Tuy Lý Vương phụng dưỡng suốt đời cho đến lúc bà mất). Phủ Tuy Lý Vương hiện được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ông Tuy Lý Vương có cậu con trai tên là Hương Ngãi (tên thời xưa của các con vua cháu chúa). Ông Hương Ngãi (hay còn gọi là Hường Ngãi) sinh được 4 người con trai và 3 cô con gái. Trong đó có bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh là bà cố ngoại của Hà Kiều Anh. Bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh là vợ thứ 3 của ông Nguyễn Tăng Lộc, cũng là quan trong triều đình nhà Nguyễn.
"Nghe nói, bà cố ngoại tôi ngày xưa là một người cực kỳ xinh đẹp, có thể nói là đẹp nghiêng nước nghiêng thành với làn da trắng muốt không tỳ vết. Chỉ tiếc là bà mất rất trẻ, khi mới 36 tuổi và mất vì bệnh đậu mùa. Bà sinh được 2 người con, một trai, một gái. Cô con gái là bà Nguyễn Tăng Diệu Hương – chính là bà nội của tôi. Thảo nào bà nội lúc nào cũng nói bà là con vua cháu chúa và tôi cũng là ‘công chúa đời thứ 7’ đấy", Hà Kiều Anh kể.
Tiết lộ về thân thế của Hà Kiều Anh khiến nhiều người bất ngờ. Bởi trước đó, hầu như bạn bè, khán giả đã biết Hoa hậu Việt Nam có gia thế lẫy lừng nhưng không ngờ gia đình cô có gốc gác quý tộc, thuộc dòng dõi vua chúa. Ngoài bà nội là cháu chắt của vua Minh Mạng, ông nội cô lúc còn sống là một đại tá quân đội, một nhà ngoại giao nổi tiếng, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Ông ngoại cô trước đây là Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Vương Quốc Mỹ. Mẹ cô – bà Vương Kiều Oanh – là doanh nhân thành đạt, từng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội và có thời gian làm giảng viên Đại học Kiến trúc TP HCM.
Khánh Chi (tổng hợp)