Bằng tình cảm sâu sắc đối với cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, Bùi Công Sơn (SN 2000) đang miệt mài giữ gìn và truyền lại Xẩm cho tất cả những ai yêu thích xẩm. Người ta gọi Sơn là "Cậu bé hát xẩm chợ".
Hồn xẩm Chợ
Đi qua chợ hoa Quảng An, con đường dẫn tôi vào số nhà 252B, Âu Cơ, Tây Hồ, nơi ở của cậu bé hát xẩm chợ khá gần. Khi đến, Sơn đã chờ và đón tôi bằng nụ cười và vẻ điềm đạm của cậu bé lớn trước tuổi. Ngồi trước mặt tôi là một chàng trai nhỏ thó cùng gương mặt sáng. Sơn năm nay 19 tuổi nhưng khác với những bạn trẻ cùng lứa say sưa với Kpop, Us-Uk, Vpop… cậu bé lại chọn cho mình một lối đi rất riêng. Đưa tay với cây nhị bên cạnh, Sơn kéo và hát một điệu Xẩm chợ thành thục như một nghệ nhân đã biểu diễn hàng chục năm.
Bùi Công Sơn
Sơn đến với xẩm là một cái duyên, từ đó cậu sống với xẩm như là một nghề để kiếm sống. Cuối năm 2014, khi tình cờ xem ti vi phát một bài của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, ngay lập tức như có một mối lương duyên từ kiếp nào cậu bé mê mẩn, khát khao học xẩm và tự mua nhị để tập. Như có ma lực của người nghệ nhân già quá cố đã thôi thúc Sơn phải học xẩm bằng mọi giá.
Sơn sinh ra và lớn lên tại Thái Bình. Từ nhỏ, cậu bé sống với ông bà và em gái vì bố mẹ đi làm xa. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt ấy đã thôi thúc Sơn đến với Xẩm từ rất sớm. Xẩm đã trở thành nghiệp của cậu bé 14 tuổi khi những buổi hát ở chợ đã đưa về những đồng tiền ít ỏi phụ bà nuôi em ăn học. Sơn đã tự đóng học, nuôi sống bản thân từ đó. "Nhìn thấy ông bà đã lớn tuổi mà vẫn phải nuôi hai anh em ăn học, bữa đủ, bữa thiếu em không đành lòng. Học và hát xẩm được một năm thì em buộc phải dừng việc học ở trường", Sơn tâm sự.
Hiện nay, không gian gốc của xẩm đã bị mất hẳn vì gần như chẳng còn ai ra chợ hát kiếm sống. Những người hát xẩm hiện đại thường biểu diễn trên sân khấu là chính nhưng chỉ tái hiện được phần nào tinh thần của xẩm. Hát trên sân khấu là diễn xuất, mô tả lại còn Sơn muốn hát xẩm trong không gian của chợ như nó thực sự đã từng diễn ra trong suốt 700 năm lịch sử. Ngày nay, người ta ít thấy hình ảnh những người hát xẩm với chiếc nón cùng cây nhị, sênh… kiếm sống như đầu thế kỷ XX.
Năm 2016, cậu bé một mình ra Hải Phòng gặp nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (học trò Cụ Cầu) xin theo học trong nửa năm. Sơn đã tự ra chợ bập bẹ hát và nâng cao tay nghề kéo nhị bằng cách nghe các Cụ hát rồi làm theo. Từ đó, người ta gọi Sơn là "thằng bé hát xẩm chợ".
Năm 2017, Sơn tìm đến nghệ nhân hát xẩm Lê Hữu Vượng (Ninh Bình) khi đang hát ở một chợ tại đây. Hai ông cháu tình cờ gặp nhau và gắn bó cùng đưa xẩm về khắp các chợ của tỉnh. Hình ảnh "Ông đàn, cháu hát. Cháu hát, ông đàn" bỗng trở thành hiện tượng lạ tại các chợ quê của Ninh Bình thời điểm ấy.
Miệt mài truyền bá Xẩm Chợ
Ngoài việc hát khắp các chợ để quáng bá không gian gốc của xẩm, Sơn còn kết hợp với quàn trà Mộc Thanh (địa chỉ số 102 ngõ 133 Thái Thịnh, Hà Nội) để tổ chức sự kiện "Nghe xẩm – Ẩm trà cùng Sơn xẩm". Không gian quán Mộc thanh được bài trí theo mô hình của một cái chợ, khách uống trà được gọi là những "người đi chợ". Tới Mộc Thanh, mọi người sẽ có cái nhìn đúng hơn về xẩm chợ, đó là thông điệp Sơn muốn gửi gắm.
Không gian quán Mộc Thanh
Tại Mộc Thanh, chủ đề được thay đổi hàng tuần, 6 số xẩm với 36 bài đã được biểu diễn mà chưa lặp bài nào. Chị Thu Tuyết (Khâm Thiên, Hà Nội) lần đầu tiên đến quán và nghe Sơn hát đã bị giọng xẩm của cậu bé thu hút: "Em ấy có một chất giọng đặc biệt cùng phong cách biểu diễn cũng đặc biệt mà không lẫn với ai được". Mộc Thanh là không gian tuyệt vời cho những ai có lòng yêu mến với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. "Khách sẽ cảm nhận xẩm qua chất giọng luyến láy, sự mộc mạc trong cách trang trí quán, giai điệu nhị kéo bắt tai dễ nghe, dễ học, dễ hiểu", Sơn chia sẻ.
Hai năm nay tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra những lớp học đặc biệt mà học trò nhiều khi lớn tuổi hơn người dạy. Các lớp học xẩm miễn phí cho học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 do Bùi Công Sơn đích thân đứng lớp. "Ai có lòng muốn học thì em dạy miễn phí, em muốn xẩm đến gần hơn với giới trẻ và muốn đào tạo họ để xẩm không bị mai một đi". Đó cũng là di nguyện của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu và mong muốn của tất cả những người yêu xẩm.
Lớp học hát xẩm miễn phí
Cậu bé ấy có thể đi khắp các chợ quê để kiếm về những đồng tiền ít ỏi nhưng luôn sẵn lòng bỏ hết công sức để dạy miễn phí hàng đêm. "Em sống bằng việc hát xẩm tại các chợ và tiền trong nón của em không phải của bố thí. Đó là công sức lao động nghệ thuật mà em xứng đáng nhận được. Còn dạy xẩm lại như một trách nghiệm với nghề mà mình đã trót đam mê và theo đuổi. Dạy người ta đàn, hát không được lấy tiền của người ta. Vì vậy, em không thể thu phí học được", Sơn tâm sự.
Nhà sưu tầm dân gian Mai Đức Thiện chia sẻ: "Tiếng đàn rất hoang dã cùng kỹ thuật nhắc lại câu và mô phỏng tiếng người của bạn tốt. Chất giọng Sơn có màu xẩm tạo nên sắc thái mộc mạc, chân thực của người hát như đang kể chuyện. Tiếng đàn và tiếng hát hòa vào nhau mang lại cảm xúc chạm đến trái tim người nghe. Bạn ấy đa năng khi vừa tay đàn, miệng hát, chân dậm phách. Sơn có thể mô tả hay thuyết trình giúp người nghe hiểu hơn về xẩm. Bạn ấy đã làm rất tốt những điều mà không phải nhiều người có thể làm được".
Những nỗ lực của cậu bé xẩm chợ như tiếp thêm một niềm hy vọng cho xẩm, loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị quên lãng. Đó cũng chính là ước nguyện của "người hát xẩm cuối cùng thế kỷ XX" lúc sinh thời từng khắc khoải.
Nguyễn My