"Bạn ơi khỏe không?" là dự án phi lợi nhuận được sáng lập bởi Thạc sĩ Lương Ngọc Tiên (One Life Connection); Doanh nhân Nguyễn Phi Vân (Vietnam Angel Network) và Tiến sĩ Vũ Duy Thức (OhmniLabs và Kambria).
Dự án cộng đồng: "Bạn ơi khỏe không?" mới đây đã tổ chức một buổi đối thoại thu hút hơn 700 người tham gia trực tuyến với chủ đề: "Khủng hoảng là cơ hội để chuyển hóa". Sự kiện có sự góp mặt của Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý, tiến sĩ lãnh đạo giáo dục tại Hoa Kỳ và là tác giả bộ sách "Dạy con trong hoang mang". Dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Nguyễn Phi Vân, bà là người truyền lửa cho thế hệ tương lai thông qua nhiều hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp, hay viết sách, các dự án cộng đồng và nhiều chương trình giáo dục về tư duy thiết kế, kỹ năng mềm cho các bạn trẻ ở Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương
"Bạn ơi khỏe không?" là dự án phi lợi nhuận được sáng lập bởi Thạc sĩ Lương Ngọc Tiên (One Life Connection); Doanh nhân Nguyễn Phi Vân (Vietnam Angel Network) và Tiến sĩ Vũ Duy Thức (OhmniLabs và Kambria). Với mục đích kết nối đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực sức khoẻ thể chất và tinh thần để cùng chung sức vì một Việt Nam khỏe mạnh và vững vàng vượt qua đại dịch.
Trong buổi trò chuyện, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đa có những phân tích sâu sắc về tâm lý học, cách chuyển biến tinh thần trong nghịch cảnh và cách áp dụng những biện pháp rèn luyện cơ thể để giúp con người tìm thấy sự bình an của tâm hồn trong đại dịch. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, các chuyên gia sẽ giúp chúng ta nhận diện những vấn đề tâm lý mà mỗi người đang phải đối diện trong đại dịch và khai mở những cách thức để khắc phục và vượt qua nó.
"Chúng ta tái tạo ý nghĩa đời sống cho chúng ta nhờ những chấn thương"
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương định nghĩa khủng hoảng là một tình trạng mất quân bình tâm lý, được thể hiện bằng những cảm xúc tiêu cực khi một cá thể phải đối diện với một nghịch cảnh cản trở mục tiêu sinh tồn hay trưởng thành của cá thể đó. Con người khi rơi vào trạng thái khủng hoảng đối với các mục tiêu quan trọng trong cuộc sống và bị giới hạn bởi thời gian thì họ không thể giải quyết trở ngại đó theo lối thông thường. Con người có xu hướng mất cân bằng khi thất bại trong việc giải quyết vấn đề theo phương pháp cũ, dẫn đến tình trạng tuyệt vọng, bối rối và hoảng sợ. Nếu chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng bằng nguồn lực và cơ chế tâm sinh lý lâu nay sẵn có, theo lối mòn được hoạch định sẵn, thì khi khủng hoảng nổ ra, chúng ta có xu hướng "vỡ vụn" theo hoàn cảnh đó.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cũng liên hệ đến thực trạng lực lượng lao động hiện nay, những người có công việc bị ảnh hưởng nặng nề, hãy bình tâm và tìm mọi nguồn lực từ vật chất đến tinh thần để cùng nhau vượt qua vì chúng ta đang sống trong một xã hội đầy ắp tình thương yêu.
Những khung nhận thức để tháo gỡ ngòi nổ cảm xúc
Nhìn chung, con người khi đối mặt với nghịch cảnh, họ lo sợ những điều như "bất định" – hoàn cảnh không còn ổn định như bình thường dẫn đến "bất tri" – không tiên liệu được những điều có thể xảy ra, từ đó dẫn đến "bất an" – mất cân bằng trong tâm sinh lý. Nếu trước đây việc trao đổi, giao tiếp giữa người với người là việc đơn giản nhất thì giờ đây đã trở nên vô cùng khó khăn. Thói quen bị thay đổi dẫn đến sự bất lực trong tâm lý và thể chất. Những trạng thái tâm lý như lo sợ về bệnh tật, thay đổi về thói quen, bất định về tương lai, cô lập về xã hội và áp lực về gia đình, nếu những trạng thái này kéo dài và không được giải quyết sẽ dẫn đến những lo âu tạo ra bệnh trầm cảm. Trong những lúc con người mang tâm lý yếu đuối như vậy, những tổn thương trong quá khứ có thể trỗi dậy và tiếp tục hành hạ tâm lý của con người, tạo thành một vòng lặp không bao giờ dứt.
Bà Nguyễn Phi Vân
Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cũng phân tích kỹ 2 trạng thái tâm lý sơ cấp và tâm lý thứ cấp, cũng như những cách đối phó thông thường của con người khi gặp nghịch cảnh. Theo Tiến sĩ, con người nên "Hãy như bầu trời quang đãng – ngắm tất cả mây đến rồi đi".
Ở phần cuối buổi trò chuyện, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương có phần trả lời câu hỏi của khán giả tương tác với chương trình liên quan đến trạng thái tâm lý của con người trong đại dịch. Ngoài ra, Tiến sĩ cũng chia sẻ những kiến thức sâu sắc về thiền và hướng dẫn bài tập body scan để đưa cơ thể trở về bản ngã chân thật nhất.
Khủng hoảng là cơ hội để chuyển hoá
Sự chuyển đổi quá nhanh của thế giới, của cuộc cách mạng 4.0, của tình hình đại dịch ảnh hưởng đến cách chúng ta sống và làm việc. Dành ra một chút thời gian chăm sóc cho đời sống tinh thần là một việc làm cấp thiết để nuôi dưỡng bản thân, để vững tâm đi qua mọi bão giông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết phải bắt đầu yêu bản thân từ đâu, vì trước nay chưa từng xem trọng sức khỏe tinh thần. Host Nguyễn Phi Vân đã từng chia sẻ rằng chỉ có bạn mới biết mình cần phải học gì. Mỗi chúng ta đều có cuộc đời và hoàn cảnh rất khác nhau. Tại thời điểm này, mỗi chúng ta đều đang có một mục tiêu, một hành trình, một mong muốn, một công việc, một dự án hoàn toàn khác nhau. Vì thế, chúng ta không thể học giống nhau. Theo bà Vân, đại dịch không cản trở chúng ta học hỏi, vì vậy các khóa học trực tuyến của bà vẫn đang được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt.
Ngoài những hoạt động thực hành (Thiền, Yoga, Tập thở) và sự kiện chia sẻ từ các chuyên gia về cách nhận diện và chăm sóc sức khỏe tinh thần trong nhóm cộng đồng. Dự án "Bạn ơi khỏe không?" còn lắng nghe sức khỏe tinh thần của mọi người thông qua việc mình cùng nhau chia sẻ trạng thái cảm xúc hàng ngày.
Ở đây, khán giả sẽ có những phút lắng đọng để đưa ý thức quay về với cơ thể và cảm nhận xem bản thân đang ở trạng thái cảm xúc nào (Tuyệt vời, Tốt, Ổn, Tệ, Rất tệ), cũng chính từ đó chúng ta có thể gọi tên những cảm xúc đang hiện diện bên trong, ghi nhận mức độ của từng cảm xúc và tự hỏi xem điều gì đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc này. Việc cùng nhau check-in trạng thái cảm xúc hàng ngày không chỉ giúp mỗi chúng ta hiểu được bản thân mà hành động này còn góp phần giúp dự án có cái nhìn bao quát hơn về tình trạng sức khỏe tinh thần của Việt Nam thông qua Biểu đồ sức khỏe tinh thần được xây nên từ những chia sẻ hàng ngày.
Website "Bạn ơi khỏe không?" còn có những tài liệu, thông tin và chia sẻ từ các chuyên gia giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về trạng thái sức khỏe tinh thần của chính mình.
Khám phá ngay website Bạn ơi khỏe không nhé: www.BanOiKhoeKhong.vn
Linh An