Nam giới có thể được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt vào một thời điểm nào đó trong đời. Vì vậy nam giới nên biết 5 điều về ung thư tuyến tiền liệt để chủ động trong việc phòng ngừa hoặc điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Theo các chuyên gia, cứ 8 người đàn ông thì có một người sẽ mắc ung thư tuyến tiền liệt trong đời. Sau khi đi khám, có thể được chẩn đoán mắc ung thư tiền liệt tuyến, điều quan trọng là phải biết sự thật để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt giúp kiểm soát tình hình sức khỏe của mình và giải quyết những vấn đề nhỏ trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng.
1. Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là tuyến nằm ngay sát dưới bàng quang, phía trước trực tràng, bao xung quanh cổ bàng quang và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu), bình thường nhỏ cỡ đầu ngón tay. Tuyến tiền liệt cùng với dương vật, túi tinh và tinh hoàn tạo thành hệ thống sinh sản của nam giới.
Tuyến này có nhiệm vụ tiết ra dịch ngăn ngừa sự nhiễm trùng đường tiểu, hỗ trợ tinh trùng. Sau 40 tuổi tuyến này to dần. Một số người có tuyến tiền liệt to nhanh cỡ trái chanh làm bít cổ bàng quang dẫn đến tình trạng khó đi tiểu hay bí tiểu, ở một số người khác tuyến này hóa ung thư, tạo thành một khối cứng và cũng khiến bệnh nhân khó tiểu.
Ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer) là ung thư bắt đầu ở tuyến tiền liệt. Ung thư tuyến tiền liệt được chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Khối u mới hình thành.
Giai đoạn 2: Khối u chưa phát triển lớn.
Giai đoạn 3: Ung thư đã phá vỡ vỏ tuyến tiền liệt, nhưng chưa xâm lấn sang cơ quan lân cận.
Giai đoạn 4: Ung thư di căn các cơ quan lân cận và cơ quan xa.
Các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt.
Ở giai đoạn 1 và 2 khi phát hiện sớm kết hợp cùng tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ sẽ không gây tử vong cho bệnh nhân.
Ở giai đoạn 3 và 4, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt gây tử vong rất cao.
2. Những điều cần biết về ung thư tuyến tiền liệt
Những người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu có thể ban đầu không có triệu chứng gì nhưng ở giai đoạn sau khi bệnh tiến triển, nam giới có thể xuất hiện các triệu chứng, trong đó hay gặp là các triệu chứng về tiểu tiện:
Đi tiểu khó khăn, tia tiểu nhỏ yếu, có khi bị buốt hoặc rát.
Tiểu rắt, tiểu đêm nhiều lần, có thể nước tiểu đục và có máu.
Cương dương bị rối loạn, khó duy trì cương dương khi giao hợp, tinh dịch có thể có máu.
Đau bụng hoặc các vấn đề về đường ruột, đặc biệt là bị táo bón nặng khi u xâm lấn ra trực tràng, đại tràng.
Có thể gãy xương khi ung thư đã di căn vào xương.
Nếu nam giới gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần đi khám ngay lập tức.
Phát hiện giai đoạn sớm giúp cải thiện khả năng sống sót tốt hơn:
Gần 100% nam giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt hoặc các cơ quan lân cận đều sống sót sau 5 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.
Việc phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu có thể có tác động rất lớn đến khả năng sống sót chung và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Một trong những cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt là thông qua sàng lọc bằng cách xét nghiệm nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) trong máu. Bổ sung cho xét nghiệm PSA là kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE) để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.
Theo Bệnh viện K Trung ương, ung thư tiền liệt tuyến là một trong những bệnh ung thư thường gặp, hiện đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc và thứ 5 về tỷ lệ tử vong trong các bệnh ung thư ở nam giới.
Yếu tố rủi ro quan trọng cần xác định
Có một số yếu tố có thể thay đổi được và không thể thay đổi được có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Các yếu tố có thể thay đổi được có thể bao gồm chế độ ăn uống, béo phì, hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hút thuốc lâu dài cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Các yếu tố không thể thay đổi được bao gồm tuổi tác, tiền sử gia đình…
Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng theo tuổi tác
Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng theo tuổi tác, đặc biệt là sau tuổi 50. Khoảng 60% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt được chẩn đoán ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt cần phối hợp nhiều phương pháp (đa mô thức)
Xạ trị điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt cần tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, tình trạng của người bệnh cụ thể, để phối hợp các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết hay miễn dịch.
Khi ung thư chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt, nó được coi là khu trú và có khả năng chữa khỏi. Ở giai đoạn này nó được điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị. Nếu bệnh đã lan đến xương hoặc nơi khác ngoài tuyến tiền liệt thì được coi là ung thư giai đoạn 4. Điều này được điều trị bằng thuốc giảm đau, điều trị nội tiết tố, hóa trị, dược phẩm phóng xạ, xạ trị tập trung và các liệu pháp nhắm mục tiêu bằng đường uống khác. Kết quả phụ thuộc vào độ tuổi, các vấn đề sức khỏe liên quan, giai đoạn và mức độ lan rộng của bệnh ung thư.
Do đó, nam giới nên lưu ý đến các yếu tố rủi ro và liên hệ với bác sĩ trong trường hợp có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra. Ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm và một số nam giới có thể không cần điều trị ngoài việc được bác sĩ theo dõi thường xuyên - một phương pháp được gọi là giám sát tích cực, có thể bao gồm các xét nghiệm hoặc sinh thiết, hoặc chờ đợi thận trọng, có nghĩa là ít xét nghiệm và theo dõi những thay đổi trong các triệu chứng của nam giới. Nếu có điều gì đó thay đổi, bác sĩ có thể xem xét các lựa chọn điều trị tốt nhất.
Luôn luôn trao đổi cởi mở về sức khỏe tuyến tiền liệt với bác sĩ. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, đừng hoảng sợ hoặc đưa ra quyết định nhanh chóng về việc điều trị.
3. Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuyến tiền liệt.
Để phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt, nam giới hãy chọn duy trì lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, có thể thực hiện những cách sau:
- Chế độ ăn lành mạnh: Ăn nhiều rau củ và trái cây, giảm thiểu ăn thịt đỏ và chất béo động vật, Tránh uống rượu hoặc uống điều độ.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến. Quan hệ tình dục đều đặn và với tần suất phù hợp với lứa tuổi. Không quan hệ tình dục không an toàn tránh nguy cơ viêm nhiễm tuyến tiền liệt.
- Giảm căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống hàng ngày: Bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần: Đi khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuyến tiền liệt. Nếu được phát hiện sớm có thể điều trị triệt căn không để lại di chứng.
- Không hút thuốc: Hút thuốc có thể tăng nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)