Khi thấy những biểu hiện này sau tiêm, hãy nhanh chóng liên hệ với nhân viên y tế để được xử lý kịp thời.
Dấu hiệu phản vệ sau khi tiêm vắc-xin Covid-19
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tổng hợp các biểu hiện phản ứng dựa trên Thông tư 51 của Bộ Y tế về phòng – xử trí phản vệ và tài liệu Cập nhật về phản vệ của Hội Dị ứng thế giới (WAO).
Theo đó, phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính, xuất hiện sau vài giây, vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, trong trường hợp này là thành phần của vắc xin Covid-19. Các triệu chứng phản vệ không nhất thiết phải xuất hiện tại tất cả các cơ quan trên cở, mức độ cũng có thể thay đổi nhanh chóng. Dấu hiệu cụ thể gồm:
– Da, niêm mạc nổi ban sẩn đỏ ngứa (còn gọi là ban mày đay) có cảm giác tê môi, phù nề môi, lưỡi mi mắt, cảm giác nghẹn, khó nuốt;
– Đường thở hoặc hệ hô hấp có cảm giác khó thở, nghẹn họng, khàn tiếng, nói khó, tức nặng ngực, thở rít, khò khè;
– Huyết áp tăng hoặc giảm đột ngột so với bình thường;
– Có dấu hiệu ở hệ tiêu hóa như bị đau quặn bụng, nôn hoặc buồn nôn, đi ngoài phân lỏng;
– Có thể bị choáng, ngất hoặc ngừng tim, ngừng thở (ngừng tuần hoàn).
Khi gặp một trong những biểu hiện này sau tiêm, hãy nhanh chóng thông báo với nhân viên y tế để được cứu chữa kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết phản vệ độ 2
Hiện nay, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người có tiền sử phản vệ độ 2 với bất kỳ dị nguyên nào hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin không nên tiêm chủng. Trước khi tiêm, các bác sĩ sẽ phải tiến hành khám sàng lọc cho người đến tiêm chủng.
Một số người dân chưa hiểu về phản vệ độ hai nên bỏ sót một số thông tin khi cung cấp cho bác sĩ trong lúc khám sàng lọc.
Bác sĩ Tiến cho biết, phản vệ độ 2 là khi cơ thể có các dấu hiệu phản vệ như đã nêu ở trên. Nếu người được tiêm có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, hãy báo ngay cho bác sĩ trong quá trình khám sáng lọc trước thi tiêm.
Bác sĩ Tiến cũng cho biết, tỷ lệ dị ứng với vắc xin rất thấp, chỉ 1 vài người trên 1 triệu mũi tiêm. Những người này chủ yếu mẫn cảm với các thành phần tá dược trong vắc xin.
Các nhà khoa học nhận thấy, dị ứng chủ yếu xảy ra với thành phần PEG có trong vắc xin của Pfizer và Polysorbate 80 trong vắc xin của AstraZeneca.
PEG là thành phần chính của thuốc nhuận tràng, gel siêu âm. Còn Polysorbat 80 là thành phần của một số thuốc sinh học, insulin lantus, thuốc corticosteroid tổng hợp, một số loại vitamin, một dạng vitamin D nhân tạo và có trong các thuốc điều trị mày đay mạn tính, thuốc tiêm khớp, điều trị giảm đau, chống viêm, rolcatron điều trị loãng xương.
Một người có thể dị ứng với PEG hoặc Polysorbate 80 khi có biểu hiện dị ứng lặp đi lặp lại với hơn 2 loại thuốc hoặc sản phẩm hoặc chỉ dị ứng với một vài dạng, liều của cùng một loại hoạt chất. Ví dụ như dị ứng với thuốc giảm đau dạng tiêm nhưng sử dụng thuốc giảm đau dạng uống bình thường; ví dụ không dị ứng kháng sinh amoxicilin nhưng khi dùng thuốc cũng có bản chất là amoxicillin thì lại bị dị ứng. Hoặc, người đó dị ứng với thuốc, vaccine có chứa PEG hay dẫn xuất của PEG như chất polysorbate 80, poloxamers, một số thuốc được liệt kê ở trên.
Những trường hợp bị dị ứng nhưng không giải thích được căn nguyên, có tiền sử dị ứng liên quan đến phẫu thuật hoặc các thủ thuật xâm lấn (như tiêm, chọc…) cũng có khả năng dị ứng với 2 thành phần vắc xin nêu trên.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)