Nếu đã đọc "Bên sông Ô Lâu" thì nhất định bạn nên đọc "Về Huế ăn cơm", để được thêm lần nữa qua những trang văn vừa mộc mạc gần gũi, vừa mênh mang da diết của Phi Tân, cảm về Huế sâu đậm hơn, với nhiều thích thú hơn.
Bạn sẽ hiểu thế nào là "ăn" nỗi nhớ niềm thương, bởi "Về Huế ăn cơm" không chỉ viết về những đặc sản của ẩm thực bình dân xứ Huế như bún bò, bánh bột lọc, dưa hường, chột môn, con hến, con giông, cá phá, cá biển, cá đồng…, mà còn là vị Huế, hương Huế quyện cùng cái tình của người Huế, tạo thành những món ngon "thấm đậm" rất Huế mà không nơi nào có…
"Về Huế ăn cơm" như lời mời và cũng là lời giới thiệu tỉ mẩn thật thà về các món ăn bình dân trong bữa cơm thường ngày của người Huế. "Về Huế ăn cơm" cũng là lời tự tình yêu quê hương sâu đậm qua những món ăn chắt lọc từ thiên nhiên, đất trời và bàn tay khéo léo của những con người xứ Huế. Huế như một khu nghỉ dưỡng (resort) khổng lồ, có núi rừng, đồng bằng, sông nước, biển hồ và đặc biệt là hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trải dài hiếm nơi nào có được. Điều kiện tự nhiên nơi đây tạo nên sắc thái sản vật vô cùng phong phú.
Tác giả Phi Tân
"Về Huế ăn cơm" với 70 câu chuyện thú vị quanh các món ăn xứ Huế, Phi Tân đã khéo léo diễn tả mỗi món ăn là mỗi đặc sản đúc kết từ những điều giản dị, bình dân, và đưa chúng ta về với bữa cơm xứ Huế thân thương. Phi Tân miệt mài đi về từ một miền quê xa vắng đến ngoại ô thương nhớ rồi đến thị thành tấp nập, để thấm trong tình quê đậm đà như da như thịt. Và đọc văn của Phi Tân để như nghe văng vẳng ở Huế sớm chiều vẫn còn tiếng gọi thân thương của mạ: con ơi về ăn cơm!
Linh An