Cà phê giúp cơ thể tỉnh táo, tăng cường khả năng suy nghĩ và làm việc. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, người uống rất dễ bị say cà phê, gây ra tình trạng mệt mỏi, chóng mặt và nôn nao.
Theo thông tin mới đây mà BS. Phan Mỹ Hạnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn giải thích, say cà phê là tình trạng uống quá liều caffein có trong cà phê. Lượng caffein cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim (tăng nhịp tim, rung nhĩ) và co giật, mất cân bằng nội tiết tố. Nếu bạn hiếm khi tiêu thụ caffein, cơ thể có thể nhạy cảm đặc biệt với nó, vì vậy tránh dùng quá nhiều cùng một lúc.
1. Biểu hiện của say cà phê
Những biểu hiện say cà phê có thể bắt gặp khi bạn uống cà phê đậm đặc khi đang đói. Say cà phê thường có triệu chứng choáng váng, tiêu chảy, khát nước, mất ngủ, đau đầu, sốt, cáu gắt. Trường hợp nặng thường gây khó thở, ói mửa, ảo giác, lú lẫn, tức ngực, nhịp tim bất thường hoặc nhanh, cử động cơ không kiểm soát được, co giật. Một số triệu chứng nhẹ như buồn nôn và co thắt cơ. Nặng hơn có thể kèm theo nôn mửa, thở nhanh và sốc. Em bé cũng có thể bị quá liều caffeine do sữa mẹ chứa quá nhiều caffeine.
Cảm giác say cà phê đôi khi còn mệt mỏi hơn việc say rượu bởi cơn say thường kéo dài, chậm chí là vẫn còn dai dẳng sau khi ngủ dậy.
2. Nguyên nhân gây Say cà phê
Thành phần chính trong cà phê là caffein, và đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến chứng say cà phê thường gặp ở nhiều người. Caffein có vai trò kích thích quá trình giải phóng epinephrine và norepinephrine ở tuyến thượng thận, những hormone này sẽ tiếp tục kích thích quá trình hoạt động của các tế bào và tăng tốc các phản ứng xảy ra trong cơ thể.
Nhờ đó, nếu sử dụng với một liều lượng phù hợp, người uống cà phê có thể xua tan các cơn buồn ngủ, mệt mỏi và tăng mức độ tập trung của não bộ, đồng thời cũng có thể cải thiện hệ tiêu hoá và loại bỏ các cơn đau trong cơ thể.
Tuy nhiên, việc lạm dụng cà phê bằng cách uống cà phê đậm đặc vào những thời điểm không phù hợp sẽ dẫn đến triệu chứng say cà phê với rất nhiều hệ quả, chẳng hạn như:
– Do tuyến thượng thận tăng cường sản xuất nội tiết tố nên tim sẽ đập nhanh hơn khiến cho người uống cà phê trở nên run rẩy và thiếu tự chủ.
– Caffein kích thích cơ thể tiết ra axit dịch vị gây tổn tương niêm mạc dạ dày, khiến người uống cà phê cảm thấy cồn cào ruột gan.
3. Cách chữa khi say cà phê
Uống thật nhiều nước:
Khi cảm thấy bạn đã bị say cà phê, hãy uống thật nhiều nước lọc. Nước giúp hoà tan lượng caffein trong cơ thể bạn, giúp bạn loại bỏ được cơn say cà phê.
Người ta được khuyên rằng hãy uống khoảng 1 lít nước trong 10 phút để cơ thể khôi phục lại độ ẩm và khoáng chất đã bị mất đi do uống cà phê.
Hoạt động cơ thể:
Bản thân cà phê là một thức uống rất tốt nếu được sử dụng trước khi bắt đầu việc luyện tập thể dục, thể thao bởi caffein có trong cà phê giúp tăng cường hiệu quả tập luyện. Khi bị say cà phê, hãy luyện tập nhẹ nhàng trong khoảng 15 phút như đi bộ, tập yoga để cơ thể nhanh chóng loại bỏ được lượng caffein.
Ăn thêm tinh bột:
Khi bị say cà phê, dù bạn đang rất nôn nao vào không muốn ăn một chút gì cả, nhưng thực chất nạp vào cơ thể một chút tinh bột sẽ tăng thêm năng lượng cho bạn, giúp bạn bớt được cảm giác khó chịu và nôn nao.
Những loại tinh bột ở đây có thể được kể đến như cơm, bánh mì, ngũ cốc, bánh quy giòn.
Nghỉ ngơi và hít thở đều đặn:
Hãy loại bỏ sự mệt mỏi, bồn chồn và những căng thẳng gây ra bởi caffein bằng cách dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Sử dụng phương pháp thở 4-7-8 sẽ rất hữu ích trong trường hợp này. Trong đó:
– 4 giây đầu tiên hít vào bằng mũi
– 7 giây là để dùng cho việc giữ hơi
– 8 giây thở ra bằng miệng
4. Một vài lưu ý khác khi uống cà phê
Ngoài ra, để đam mê cà phê của bạn không bị ảnh hưởng bởi những triệu chứng say cà phê và mệt mỏi, bạn hãy lưu ý những điều sau:
– Uống lượng vừa phải, vào buổi sáng: lượng này phụ thuộc vào từng người. Có người bị kích thích cho dù chỉ dùng caffein với một lượng nhỏ. Còn những người thường xuyên sử dụng cà phê như bạn thì cơ thể sẽ thích nghi với sự có mặt của một lượng cafein lớn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên uống 1 ly cà phê vào buổi sáng, sau khi ăn sáng sẽ giúp tinh thần minh mẫn, sảng khoái. Tránh uống cà phê vào ban đêm vì cafein có tác dụng kích thích và lợi tiểu nhẹ gây mất ngủ.
– Tránh uống cà phê đồng thời với dược phẩm, nên đảm bảo cách thời điểm uống thuốc 2-3h vì caffein có thể gây tương tác với một số dược phẩm làm mất tác dụng của thuốc.
– Tránh uống cà phê đồng thời với rượu vì như vậy sẽ làm cho đại não hưng phấn quá độ, tiếp đó là thần kinh bị ức chế, kích thích sự giãn nở của huyết quản, tăng nhanh sự tuần hoàn máu, dẫn đến tăng gánh nặng cho tim, làm tổn thương sức khoẻ. Sự tổn thương này thậm chí còn vượt quá rất nhiều lần so với việc uống rượu đơn thuần.
– Các đối tượng hạn chế sử dụng cà phê: người có tiền sử bệnh dạ dày, người bệnh tim mạch (rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, động mạch vành…), phụ nữ mang thai và cho con bú.
– Theo dõi phản ứng cơ thể để xác định xem đã uống bao nhiêu là vừa đủ.
– Chỉ nên uống khoảng 250 mg mỗi ngày nếu bạn không chắc chắn về sự dung nạp của cơ thể.
– Không uống caffein vào buổi chiều muộn để tránh các vấn đề về giấc ngủ.
– Giảm lượng cà phê hoặc chuyển sang trà nếu có vấn đề về tiêu hóa.
– Nếu bạn cảm thấy huyết áp tăng, nhịp tim thay đổi nên cắt, giảm lượng cà phê đang dùng.
Bách Nguyên (Theo suckhoegiadinh)