Gần đây trên mạng xã hội có thông tin rằng Omicron không lan xuống phổi như các biến chủng trước đó. Nhưng đây là nguồn tin chưa được kiểm định và không có căn cứ khoa học.
Theo chia sẻ của ThS.BS Phạm Văn Phúc – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Nhiệt đới Trung ương thì tất cả các biến chủng của SARS-CoV-2 đều có nguy cơ xâm nhập, tấn công vào phổi. Và biến chủng Omicron cũng không ngoại lệ, virus có thể tấn công vào mọi vị trí của cơ thể chứ không phải chỉ xâm nhập tới cổ họng như lời đồn.
"Biến thể Omicron thường gây triệu chứng nhẹ. Bệnh nhân chủ yếu đau rát họng, ho, đau đầu, một số có tiêu chảy,…. Với biến chủng Delta, triệu chứng rầm rộ hơn, sốt cao hơn. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí nguy kịch và tử vong", bác sĩ Phạm Văn Phúc cho hay.
Đồng thời, bác sĩ Phạm Văn Phúc cũng nhấn mạnh, giống như chủng khác, đối tượng có nguy cơ trở nặng khi nhiễm biến thể Covid-19 đều liên quan đến vấn đề tuổi tác, bệnh nền và đã tiêm vắc xin hay chưa.
Biến chủng Omicron vẫn có nguy cơ khiến bệnh diễn biến nặng, đặc biệt với người cao tuổi, người có bệnh nền, chưa tiêm đủ liều vắc xin. Do đó, để phòng ngừa bệnh dịch mỗi người dân không được phép chủ quan và tuân thủ tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Về dấu hiệu trở nặng của người đã mắc biến thể Omicron, thường thì các dấu hiệu không có sự khác biệt với biến thể khác, vẫn gồm 11 dấu hiệu như Bộ Y tế đã khuyến cáo. Người bệnh lưu ý, quan trọng nhất là theo dõi chỉ số SpO2, nếu chỉ số này xuống thấp tức có nguy cơ tổn thương phổi, phải liên hệ cơ quan y tế ngay lập tức.
Mới đây, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cho biết biến thể Omicron đang có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây. Omicron đã phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội và TP.HCM thay thế dần biến thể Delta.
Dự báo trong thời gian tiếp theo, số mắc Covid-16 trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến chủng Omicron.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)