Giải trí

Câu chuyện phía sau Kênh Youtube "Ẩm thực mẹ làm"

Bỏ ngoài tai lời xì xào về chuyện \"không chồng mà chửa\", cô Dương Thị Cường - chủ nhân của kênh youtube \"Ẩm thực mẹ làm\" cùng con trai đã có cuộc hành trình thực sự ý nghĩa.

Đạp chiếc xe phượng hoàng cũ từ đồng về nhà lúc gần trưa, cô Dương Thị Cường (56 tuổi, quê Thái Nguyên) dựng vội vào góc bếp lên nhà đón khách lạ. Cô Cường là nhân vật chính trong những video do con trai Đồng Văn Hùng (25 tuổi) làm đạo diễn, quay phim, kiêm nhà sản xuất mang tên "Ẩm thực mẹ làm"Kênh Youtube này là đại diện duy nhất của Việt Nam được chọn tham dự "YouTube Fanfest 2020" – Sự kiện lớn, quy tụ những người có sức ảnh hưởng trên Youtube đến từ nhiều quốc gia.

Để trở thành nhân vật truyền cảm hứng như ngày hôm nay, trở thành người nổi tiếng khắp mạng xã hội là cả một hành trình dài của người mẹ đơn thân dũng cảm, liều mình, kiên định. Bởi giữa những năm 90 của thế kỷ XX, định kiến về "người phụ nữ không chồng mà chửa" không "thoáng" như bây giờ. Trên gương mặt của cô Dương Thị Cường toát ra dáng vẻ thật thà, chân chất, tần tảo của người phụ nữ vùng quê đồng bằng Bắc Bộ xưa. Nụ cười thân thiện đón tiếp người lạ bằng những bắp ngô nhà trồng, mới luộc nóng hổi. Cô Cường chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình.


Quay Youtube vui 1, thì được bên con trai hàng ngày khiến cô Cường vui 10

25 năm trước, khi cô Cường ở tuổi 32, người dân thôn quê thời đó gọi là ế chồng, cô quyết định có con và sinh con một mình. Cô giữ bí mật về người đàn ông của mình, nhớ như in những tủi hờn mình đã trải qua nhưng tuyệt nhiên không có một chút hối hận, tiếc nuối.

"Khi biết tôi không chồng đã có con, bà ngoại của Hùng phản đối rất gay gắt. Hàng xóm láng giềng cũng xì xầm lớn bé, lời ra lời vào ác lắm. Tôi chọn cách im lặng, giả điếc mà sống, coi như tai không nghe tiếng gì, ai nói thì họ tự nghe. Với bà ngoại, tôi cũng chỉ biết ngọt nhạt xin với cụ rằng: ‘Thôi bây giờ con cũng hơn 30 tuổi rồi, con xin mẹ, con chỉ đẻ 1 lần này thôi, sau này mẹ nằm xuống, con có người để nương dựa’. Thế mà cụ vẫn cứ không ưng. Nhưng thôi kệ, cụ là mẹ mình, có mắng mỏ thì cũng chẳng bỏ mình đi được. Ban đầu mẹ tôi phản đối là thế, nhưng Hùng lớn lên là một đứa trẻ rất ngoan, lễ phép nên bà rất thương yêu. Hùng là niềm động lực giúp tôi vượt qua sự bàn tán của xóm làng", cô Cường tâm sự.

Cô kể tiếp, hồi đi sinh Hùng, cả nhà cả cửa cô chỉ có 30 nghìn đồng. Trừ 10 nghìn trả công cho bà đỡ, 20 nghìn còn lại đủ mua một cái móng giò và một cái bắp cải cho cô bồi dưỡng ở cữ. Ăn hết "sơn hào hải vị" cô chỉ còn cách lấy rau má, rau bọ mẩy ở đồi núi với rìa đường về luộc, hấp ăn cơm.

Nhà khó khăn, khi sinh Hùng mấy tháng thì hè đến, không có điện, cô phải thức xuyên đêm quạt cho con, vì chỉ cần cô hơi lơi tay một tí thì con lại khóc. Mãi sau đến tháng 8, hàng xóm mách đi vay ngân hàng, cô mới vay được 500 nghìn đồng, mắc điện và mua cái quạt cây là hết nhẵn.


Từ một bà mẹ đơn thân, cô Cường giờ đây đã là nhân vật truyền cảm hứng trên toàn thế giới

"Đã vậy, khi bé, Hùng còn hay nóng sốt. Lắm đêm cô thức trắng, không dám ngủ vì chỉ sợ con làm sao. Năm Hùng hơn 1 tuổi, có lần cô phải đưa con đi viện vì sốt quá. Thế mà nó nhất định không ở, khóc ngằn ngặt đòi về, cuối cùng cô cũng lại chịu nghe bác sĩ mắng mà trốn viện về. Mà sao bé tí mà nó đã kiên quyết, ghê gớm thế chứ", cô Cường vừa nhìn Hùng vừa "gằn giọng" kể tội.

Tưởng rằng con trai mình ghê gớm, lì lợm nhưng càng lớn, con trai cô lại hiền khô, chuyên bị trẻ con trong làng bắt nạt, trêu ghẹo mà không dám làm gì. Lắm hôm con đi học, cô phải âm thầm đi theo, bắt quả tang những đứa trẻ bắt nạt Hùng và mắng cho chúng một trận.

Bao ngày cơ cực trong cuộc đời vừa làm mẹ vừa làm cha, vừa làm đàn bà vừa gánh vác chuyện đàn ông, cô Cường không bao giờ nghĩ đến việc phải cần có một người đàn ông nào bên cạnh. Cô có Hùng là niềm hạnh phúc, an ủi duy nhất của mình.

"Một tay tôi sắp xếp công việc từ ngoài đồng đến công việc trong nhà. Quanh năm suốt tháng chỉ làm ruộng, nuôi gà, chăm lợn… rồi chăm Hùng cũng hết ngày", cô Cường cười lớn chia sẻ. Một núi công việc khổng lồ từ sáng đến tối, ấy vậy không một chút nào người phụ nữ ấy lơ là quan tâm chăm sóc Hùng để cậu con trai duy nhất của cô lớn khôn, lễ phép.

Hùng trưởng thành và đi làm xa mấy năm ở Bắc Ninh rồi Hà Nội, bà ngoại mất, còn lại cô Cường cứ thui thủi đồng áng, quán xuyến nhà cửa, ăn cơm cũng một mình, chỉ làm bạn với chú cún, con mèo.

"Khoảng thời gian ấy tôi buồn lắm, Hùng cũng hay gọi về động viên, nhưng tối tối tôi lại chảy nước mắt vì nhớ con. Chắc chính vì lẽ ấy, Hùng mới quyết định về quê. Ngày Hùng thông báo về quê ở với mẹ, tôi vui lắm. Được gần con, dự định tôi sẽ vẫn làm công việc hàng ngày như trước kia, Hùng thì kiếm công việc gần nhà làm mấy năm rồi lấy vợ…", cô Cường chia sẻ.


Từ một bà mẹ đơn thân, cô Cường giờ đây đã là nhân vật truyền cảm hứng trên toàn thế giới

Nhưng cuộc đời không như dự định, bước ngoặt rẽ ngang khi con trai Đồng Văn Hùng quay về những bữa ăn do mẹ mình nấu đăng lên Youtube để lưu giữ kỷ niệm, bất ngờ nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng trong nước, cũng như quốc tế. Hùng bắt đầu "dụ" mẹ làm Youtube, ban đầu cô ngại vì chưa bao giờ đứng trước ống kính, nhưng thương con cô gật đầu.

"Nhưng tôi bị mắc lừa, Hùng cầu kỳ lắm, bắt tôi làm đi làm lại nhiều lần vì một cảnh quay. Vẫn là món ấy, công đoạn việc ấy, nhưng xưa chả quay hay gì tôi chỉ cần làm ào ào là xong để có cơm ăn. Nhưng mà Hùng thì cứ ‘bắt’ tôi làm chậm lại. Rõ bực! Lắm hôm tôi làm gần xong, Hùng chưa quay xong, lại phải làm chậm, hay làm lại để quay. Mấy lần đang rang xào mà Hùng quay chậm, thức ăn suýt cháy, tôi lại bực mình, không muốn làm nữa. Thế là Hùng lại năn nỉ, động viên. Thương con, tôi lại cố gắng", cô hài hước kể về khó khăn ban đầu khi làm Youtube.

Dần dần cô quen, cô vui vì có con ở nhà, được cùng con làm, ăn cơm, trò chuyện, cô bớt tủi mà yêu đời hơn. "Nhiều hôm cô ra đường, người dân, bọn trẻ qua đường bắt gặp dừng lại nói là thấy cô trên tivi suốt làm cô cứ ngại ngại", cô Cường nói.

Còn đối với Đồng Văn Hùng, như dự định ban đầu là quay ghi lại kỷ niệm của mẹ, đồng thời cũng muốn gửi thông điệp, những hình ảnh về người mẹ vùng quê đến nhiều người xa quê với những bữa cơm đơn giản: dưa, cà, lạc rang… để họ phần nào bớt cảm giác nhớ nhà. Dù kênh đã được bật chế độ kiếm tiền, Hùng và mẹ cũng không bị áp lực gì nhiều về kinh tế. Trước nhiều kênh Youtube dùng đủ chiêu trò để câu view, kiếm tiền, Hùng nêu quan điểm: "Tôi và mẹ vẫn quyết theo con đường đã chọn, mặc dù chậm nhưng tôi tin là sẽ bền vững và có khán giả riêng. Có một điều chắc chắn là tôi sẽ vẫn làm các video sau tỉ mỉ và vô tư như thế. Vì trên hết, kênh này là nơi lưu giữ những kỷ niệm của mẹ tôi, là lời cảm ơn của tôi đến mẹ – người khiến tôi tự hào vì đã sống một cuộc đời trong sáng, chắt chiu tần tảo để nuôi tôi đến ngày trưởng thành".

Ssau 2 năm, kênh "Ẩm thực mẹ làm" đã có 800.000 người theo dõi và 2 giải thưởng danh giá xứng đáng với những gì Hùng và mẹ đã bỏ công sức, đầu tư kĩ càng mà theo Hùng phải mất 4-5 ngày mới ra được 1 video. "Khi nhận được thông báo kênh được vinh dự nhận 2 giải thưởng, tôi rất vui mừng, thao thức không ngủ được. Vui hơn nữa, mẹ là một trong những người được bình chọn là nhân vật truyền cảm hứng. Không những ở trong nước mà đã lan rộng ra cả quốc tế", Hùng hào hứng khoe "chiến công".

Khánh Chi (tổng hợp)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram