Không ít F0 dù âm tính nhưng vẫn gặp tình trạng ho không dứt gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như tâm lý.
PGS TS Phạm Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết ho là một phản xạ làm sạch bụi, đờm và các chất kích thích khác khỏi đường thở (bao gồm họng, thanh quản, khí quản và phổi). Ho có thể coi là một phản xạ có lợi cho cơ thể. Vì vậy, bác sĩ chỉ cắt cơn ho khi ho quá nhiều làm ảnh hưởng đến việc ăn uống, giấc ngủ của người bệnh.
Khi kháng nguyên ở vùng mũi họng không còn, người bệnh có thể tiếp tục bị ho khan trong một thời gian dài. Ho có thể kéo dài thành cơn.
Ho quá nhiều dẫn tới kích ứng làm người bệnh đau rát họng, đau dọc theo đường giữa xuống ngực.
Ho hay xảy ra vào ban đêm làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh, gây tâm lý căng thẳng và lo lắng về các tổn thương ở phổi hậu Covid-19.
Ngoài ra, tình trạng ho kéo dài có thể gây tổn thương biểu mô đường hô hấp và dẫn tới sự xâm nhập của các vi khuẩn, nấm… có sẵn tại đường thở, gây viêm, làm cơn ho trầm trọng hơn, ho sau, ho khan chuyển thành ho có đờm, đặc dần và có màu vàng xanh.
Bên cạnh đó, người mắc Covid-19 có thể bị ngạt mũi. Ngạt mũi không được điều trị có thể dẫn tới việc người bện phải thở bằng miệng. Khi đó, người bệnh sẽ hít nhiều không khí khô, không được làm sạch, làm ấm và làm ẩm như khi hít vào bằng mũi. Không khí này đi thẳng vào phổi và làm ảnh hưởng đến niêm mạc đường thở, gây ra phản ứng ho.
Nguyên nhân gây ho sau khi khỏi Covid-19 được chia thành 4 nhóm
– Sau khi khỏi bệnh, cơ thể còn đào thải chất tiết (xác virus);
– Người có cơ địa dị ứng/hoặc bị suyễn;
– Người có bệnh lý trào ngược sẵn có, uống thuốc nhiều thì tình trạng này tăng thêm;
– Có tình huống kích thích trung khu thần kinh ở dọc đường hô hấp, vùng khí quản, hầu họng…. gây ho.
Cách xử trí cơn ho
Các biện pháp không sử dụng thuốc
Bác sĩ hướng dẫn 3 biện pháp cải thiện cơn ho không cần sử dụng thuốc gồm:
– Hít vào và thở ra bằng mũi, thở chậm cho đến khi hết ho.
– Ngậm miệng và nuốt liên tục đến khi hết cơn ho.
– Uống những ngụm nhỏ nước ấm đến khi cơn ho dừng.
Theo bác sĩ, tùy theo đáp ứng của cá nhân mà người bệnh có thể lựa chọn phương pháp phù hợp với mình.
Kỹ thuật thở giúp giảm ho sau Covid-19
– Người bệnh cần ngồi thoải mái, giữ thẳng lưng.
– Hít sâu từ từ bằng mũi và giữ đếm 3-4 (nếu có thể). Sau đó nhẹ nhàng thở ra khỏi miệng. Lặp lại 3-4 lần.
– Thở nhẹ nhàng trong 20-30 giây (kiểm soát nhịp thở). Lặp lại bước 2 và bước 3 đến 3 lần.
– Hít sâu từ từ bằng mũi, sau đó thở nhanh không khí ra bằng miệng, lặp lại điều này trong 3 – 4 chu kỳ hoặc cho đến khi bạn cảm thấy đờm đã sạch.
Nếu cảm thấy chóng mặt khi thực hiện bài tập thở này thì hãy tạm dừng nghỉ khoảng 30 phút rồi mới bắt đầu lại.
Bạn có thể sử dụng kỹ thuật này nhiều lần trong một ngày.
Trong trường hợp tình trạng ho không thuyên giảm, người dân nên đi khám để bác sĩ đánh giá chính xác bệnh nhân có các bệnh phổi khác hay không (như viêm phổi, lao phổi), hoặc các bệnh như ho do dị ứng, trào ngược, suyễn… hay là ho hậu Covid-19.
Trường hợp ho do kích thích, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc như:
– Thuốc ức chế thần kinh trung ương làm giảm cơn ho.
– Thuốc ngậm giảm kích thích.
Trường hợp ho do viêm nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc:
– Kháng sinh và/hoặc kháng viêm steroid đường uống và/hoặc đường hít – xịt.
– Thuốc làm loãng đờm, tránh bám dính của dịch tiết trên biểu mô đường hô hấp, loại bỏ điều kiện phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Lưu ý, việc sử dụng thuốc cần có sự thăm khám, kê đơn của bác sĩ.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)