Ca sĩ Mono, 24 tuổi, vào vai Xuân Tóc Đỏ trong phim "Số đỏ", chuyển thể tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Ca sĩ lần đầu đóng chính trong phim điện ảnh do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn và biên kịch, tên tiếng Anh là Dumb Luck. Nội dung lấy bối cảnh Việt Nam những năm 1930, giai đoạn đánh dấu chuyển đổi quan trọng khi đất nước trải qua những năm cuối của chế độ thực dân Pháp và sự xuất hiện của phong trào cải cách và chủ nghĩa dân tộc. Câu chuyện kể về Xuân Tóc Đỏ, từ một kẻ vô danh trở thành biểu tượng của sự giàu sang và hiện đại.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cảm ơn Mono vì "nhận lời với cuộc chơi liều lĩnh". "Phim đang trong giai đoạn sản xuất, là dự án thử thách nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi hy vọng mang câu chuyện về một thời kỳ ở Việt Nam đến với quốc tế trong thời gian sớm nhất", nhà làm phim nói.
Mono tên thật là Nguyễn Việt Hoàng, sinh năm 2001, từng theo học trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH). Anh nổi tiếng từ nhỏ khi xuất hiện cùng anh ruột - Sơn Tùng M-TP - ở một số sự kiện. Mono từng ra một số MV được công chúng đón nhận như Chăm hoa, Em xinh, Đi tìm tình yêu, Waiting for You.
Gia đình Vũ Trọng Phụng ủng hộ dự án. Bà Nghiêm Thị Phương Hằng - cháu út cố nhà văn - hy vọng bộ phim giúp tác phẩm gốc đến gần với thế hệ độc giả trẻ. Đại diện gia đình cũng sẵn sàng cung cấp tư liệu, thông tin cho đoàn phim.
Số đỏ đăng trên báo trong nước lần đầu năm 1936 và được in thành sách năm 1938. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Xuân, biệt danh Xuân Tóc Đỏ. Từ một kẻ bị coi là hạ lưu, Xuân bước vào tầng lớp danh giá với các danh xưng như "giáo sư y khoa", "giáo sư quần vợt". Sau gần 90 năm ra đời, tiểu thuyết vẫn có sức sống mãnh liệt.
Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường. Tiểu thuyết nhiều lần được chuyển thể thành phim truyền hình, kịch nói. Đoạn trích của tác phẩm cũng được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 với tên gọi Hạnh phúc của một tang gia.
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là hiện tượng của văn đàn. Ông công bố truyện ngắn đầu tiên - Chống nạng lên đường - năm 18 tuổi. Từ 1930 đến 1939, Vũ Trọng Phụng viết được 28 truyện ngắn, chín tiểu thuyết, tám tập phóng sự, sáu vở kịch và dịch thuật cuốn Giết mẹ của Victor Hugo. Ngoài ra, Vũ Trọng Phụng viết hàng trăm bài tranh luận, phê bình về văn học, văn hóa và các vấn đề xã hội khác. Trong đó, ba tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ và Vỡ đê đều công bố vào năm 1936. Nhà văn từng lý giải vùi vào làm việc nhằm kiếm tiền nuôi bà nội, mẹ, vợ và con gái. Ông mất ở tuổi 27 vì bệnh lao phổi.
Theo Vnexpress