Giải trí

Bốn họa sỹ, nghệ nhân tài danh với triển lãm Nghệ thuật đương đại "NIỆM"

Ở triển lãm Nghệ thuật đương đại "NIỆM" của họa sĩ Ngô Xuân Bính, Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng và nghệ nhân Đào Trọng Cường tại Bảo tàng Hà Nội vào ngày 30 tháng 5 tới đây, nghệ thuật sáng tạo đã được đẩy lên cao trào, nét chung ở các tác phẩm là sự hướng thiện thể hiện trong những nét vẽ miên man, huyền diệu, cảm xúc sáng tạo trào dâng, cảm hứng vô thức khoáng đạt.

Ba họa sỹ giới thiệu đến công chúng, những người yêu nghệ thuật một triển lãm quy mô mang tên "NIỆM". Ở đó, mỗi bức tranh mang đầy sự trắc ẩn, để rồi trở nên khốc liệt qua từng nét lột tả của người họa sỹ, truyền tải thông điệp: tâm thường hằng không sinh diệt, còn thức là vọng tưởng vô thường, luôn biến đổi, khi tốt khi xấu.


Đối với họa sỹ Lê Văn Thìn, đây là lần thứ hai ông triển lãm cùng họa sỹ Ngô Xuân Bính sau "Du và Dội" – năm 2017. Tranh của Lê Văn Thìn với sở trường là những bức sơn mài trắng độc đáo, nội dung sáng tạo biến hóa muôn hình muôn vẻ đã trở nên mới lạ ở "NIỆM".


Họa sỹ Lê Văn Thìn và họa sỹ Ngô Xuân Bính

Họa sỹ Đặng Tin Tưởng thuộc số ít những họa sĩ hiện đại Việt Nam thành công trong việc săn đuổi cái đẹp của mảng tranh sơn khắc – chất liệu cổ truyền của hội họa Phương Đông. Ông đã gây chú ý cho người xem bởi sự phong phú về bút pháp và khả năng thay đổi bố cục một cách thông minh, hợp lý với nhiều tác phẩm đồ sộ về các danh thắng, kiến trúc cổ… được đánh giá cao. Tại triển lãm lần này, Đặng Tin Tưởng một lần nữa thể hiện là một "thương hiệu" sơn khắc đáng tin cậy nhất của hội họa thủ đô, chứng minh khả năng diễn đạt những tinh thần mới của một trong những chất liệu cổ xưa nhất của người Á Đông.


Tác phẩm của họa sỹ Ngô Xuân Bính

Riêng Đào Trọng Cường, nổi tiếng là nghệ nhân quốc gia, là người đã khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo 19 nước tham dự APEC lần thứ 14 tại Việt Nam bằng đá quý. Mỗi tác phẩm của ông không chỉ là sự chắt chiu, chứa đựng của một cuộc hành trình thỏa mãn niềm đam mê khám phá cái đẹp của ngọc và đá mà nó còn chứa đựng cả khổ đau, hạnh phúc của một cuộc đời. Tranh của ông có một lối đi riêng bởi nó được làm ra từ thăng hoa cảm xúc của con người và bằng tinh hoa đích thực của thiên nhiên.


Tác phẩm của họa sỹ Ngô Xuân Bính

Sau triển lãm "Du & Dội" – năm 2017, nhà khoa học, là nhà thơ, võ sư, họa sỹ Ngô Xuân Bính cũng thể hiện rõ là một tư chất mà trong mọi hoàn cảnh luôn tìm ra con đường đi của riêng mình. "NIỆM" giống như đang thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng đỉnh cao của hội họa, phát triển sự sâu sắc và uyển chuyển đến giới hạn cao nhất để đưa thế giới nội tâm đa màu sắc vào từng nét vẽ.


Tác phẩm của họa sỹ Ngô Xuân Bính

Họa sỹ Trần Trung Chính nói về hội họa Ngô Xuân Bính: "Ở "Du & Dội" con sông phía thượng nguồn chảy trên độ cao thác dốc trút xuống ầm ầm năng lượng: "Sự rung cảm về nguồn cơn được tạo ra trên mỗi bức tranh phát nghĩa từ các mảng màu sắc vô định hình, hoặc không cả ý nghĩa, nhảy vào tranh ông chỉ do chúng gọi nhau, màu gọi màu, nét gọi nét, suy tưởng gọi suy tưởng, tề tựu, thậm chí chỉ là cách ông tổng lực tống ra năng lượng lúc bị dồn nén…".


Tác phẩm của họa sỹ Ngô Xuân Bính

Họa sĩ Ngô Xuân Bính quẫy mình trong con sông nghệ thuật của ông, con sông của tự ông xông phá tìm đường chảy cho nó. Con sông căng đầy năng lượng và sung mãn những hứa hẹn lớn lao…


Tác phẩm của họa sỹ Ngô Xuân Bính

Và giờ đây, tới "NIỆM", họa sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình lý luận Nguyễn Quân đã phải thốt lên: Một dòng sông vô thức dâng trào lên tầng ý thức chan hòa với những ý niệm chủ quan và những suy lý "khách quan". Tất nhiên theo quy luật "sông có khúc – người có lúc",  tranh có khúc hơn khúc kém, hiệu quả thẩm mỹ có lúc thế này lúc thế kia như chính Ngô Xuân Bính tự bạch rằng "… quang lực truyền cảm thị giác nhiều khi không đồng pha với ý niệm…". Một khúc quanh mới quan trọng trên đường – đạo sáng tạo của Ngô Xuân Bính? Dẫu gì bao quát thấy ngay rằng: Triển lãm Ngô Xuân Bính đồ sộ này là một thách thức nghệ thuật đáng nể, là một cống hiến, thành tựu nghệ thuật đáng khám phá và trân trọng.


Tác phẩm của họa sỹ Đặng Tin Tưởng

Với số lượng lên tới hàng trăm bức tranh cùng cách sắp đặt và trình diễn sáng tạo, "NIỆM" của Ngô Xuân Bính, Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng và Đào Trọng Cường đã khiến người xem choáng ngợp. Ở "NIỆM", Ngô Xuân Bính hiểu cần làm gì, cần thể hiện làm sao, ông đã lao động, đã làm việc và làm việc. Cảm xúc hội họa trong mỗi tác phẩm đã xuất hiện trong lao động. Đó là một cảm xúc sang trọng.


Mỗi người một phong cách khác nhau, ở NIỆM  sự khác biệt từ chất liệu cho đến cảm xúc ẩn hiện trong từng tác phẩm của các tác giả nhưng ngược lại cũng vẫn cảm nhận được chút hài hòa, đồng điệu đến kinh ngạc của những bậc thầy về nghệ thuật.

Tiểu sử các họa sỹ tham gia triển lãm "NIỆM"

Họa sỹ Ngô Xuân Bính

Sinh năm 1957 tại Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An

1964: Học cấp I Hưng Thịnh – Nghệ An.

1969: Học cấp II Hưng Bình – Nghệ An.

1971: Học chuyên Toán – Nghệ An.

1975: Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung Ương.

1981: Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

1986: Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nhạc họa Trung Ương.

1988: Tham gia triển lãm sách khối các nước XHCN tổ chức tại Ba Lan. Tập sách "Nhất Nam Căn Bản" đạt giải "Sách thể thao giá trị nhất và hay nhất".

1991: Triển lãm Mỹ thuật cá nhân lần thứ I tại Trung tâm triển lãm tạo hình Minsk.

1993: Triển lãm Mỹ thuật cá nhân lần thứ II tại Trung tâm triển lãm tạo hình Minsk.

1995: Triển lãm Mỹ thuật cá nhân lần thứ III tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật tạo hình Moscow – Liên bang Nga.

1997: Triển lãm Mỹ thuật cá nhân lần thứ IV tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật tạo hình Moscow – Liên Bang Nga.

2000: Triển lãm Mỹ thuật cá nhân lần thứ V tại  Trung tâm triển lãm nghệ thuật tạo hình Moscow – Liên Bang Nga.

2005: Được báo Nga – Mỹ bình bầu là Họa sĩ xuất sắc của năm.

2006: Giải thưởng quốc tế Liên hoan nghệ thuật tổng hợp Artiada.

2007: Giải thưởng y học quốc tế "Nikolay Pirogov" đồng được trao tặng Huân chương cao quý vì những đóng góp "Lớn lao và đặc biệt" cho sự nghiệp Y học quốc tế.

2008: Đoạt giải xuất sắc Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp quốc tế lần thứ VII tổ chức tại Moscow (với 3 bức sơn dầu).

2010: Viện Hàn lâm Nghệ thuật Tạo hình Liên bang Nga trao tặng danh hiệu "Thành viên danh dự" (ở thời điểm được phong chỉ có 2 người nước ngoài được nhận danh hiệu này).

2010: được phong hàm Giáo sư y học dân tộc (thuộc Hiệp hội y học dân gian Liên bang Nga .

2011: được phong hàm Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học tự nhiên Châu Âu.

2014: Giải thưởng quốc tế "Nghệ thuật và Cuộc sống" trong lĩnh vực Y học và bảo vệ môi trường.

2017: Triển lãm Mỹ thuật cá nhân tại Bảo tàng Hà Nội.

Tác phẩm đã xuất bản:

Về võ thuật có "Nhất Nam căn bản" tập 1 đến tập 5; Về thơ có: Sấp ngửa bàn tay; Giao hòa lắng nghe; Hội hoa đăng; Tiếng thở đêm; Cánh đồng tiềm thức; Cánh đồng thao thức; Cách đồng tri ân; Về nghiên cứu khoa học có bộ sách "Phương pháp xác định bộ huyệt chữa trị bằng sơ đồ hình học – Huyết áp cao, Huyết áp thấp – Các chứng liên đới" tập 1 đến tập 4.

 

Họa sỹ Lê Văn Thìn

Sinh năm 1952

Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam

1981: Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Giảng viên khoa Tạo dáng Công nghiệp, Viện Đại học mở Hà Nội

Tham dự triển lãm:

1988, 1999 và 2000: Triển lãm Asia Phi lip Mo Rít

2005: Triển lãm tranh quốc tế tại Paris 2010: Triển lãm tranh quốc tế tại Bắc Kinh 2015: Triển lãm tranh quốc tế tại Seoul

Nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm trong nước Có tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Có tranh trong các bộ sưu tập tại Anh, Pháp, Mỹ, Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản…

 

Họa sỹ Đặng Tin Tưởng

– Sinh năm: 1945 tại tỉnh Hải Dương

– Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam

– Hội viên Hội Mỹ Thuật Hà Nội

– Năm 1967 tốt nghiệp Đồ họa – Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam

– Năm 1977 tốt nghiệp Văn khoa – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

– Sáng tác chuyên chất liệu: Sơn mài khắc, giấy gió màu nước, acrylic

– Chuyên vẽ phong cảnh và di tích cổ Việt Nam.

* Tham gia triển lãm cá nhân, Quốc gia và quốc tế:

– Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc: 1976, 1980, 1985, 1995, 2000.

– Triển lãm cá nhân: 1996, 2004, 2005, 2009, 2010, 2011, 2012, 2015, 2018.

– Triển lãm "Tranh sơn mài Việt Nam một thời kỳ mới" tại Trung tâm Mỹ thuật Foothilis, Colorado do Trung tâm Văn hóa Châu Á Oakland, California, Trung tâm Đông Tây Hawai (Mỹ)  2000 – 2001.

– Triển lãm 50 năm Hội họa hiện đại Việt Nam tại Nhà ga Tokyo, Bảo tàng Mỹ thuật Kochi, Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại Wakayama – Nhật Bản 2006.

* Tác phẩm sưu tập của Bảo tàng và tư nhân:

Có nhiều tác phẩm lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc ở Maiami (Mỹ)… và sưu tập của một số tư nhân trong và ngoài nước.

* Tác phẩm tiêu biểu:

–        Đền thờ Nguyễn Trãi – Sơn khắc 1980 (kích thước: 80cm x 120cm).

–        Đền Ngọc Sơn trong ngày hội – Sơn khắc 1980 (kích thước: 120cm x 240cm).

–        Xuân đất Việt – Sơn khắc 1992 – 1995 (kích thước: 150cm x 360cm)

–        Non nước Hạ Long – Sơn khắc 2000 (kích thước: 180cm x 280cm)

–        Rồng lửa Thăng Long – Acrylic 2012 – 2014 (kích thước: 171cm x 420cm)

–        Bộ tranh "Hùng Sơn đất Việt" – Acrylic 2012 – 2013 – 2014 gồm nhiều tấm pano ghép.

* Giải thưởng:

–        Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô các năm 1980, 1995, 2010 trao cho các tác phẩm: Đền thờ Nguyễn Trãi, Đền Ngọc Sơn trong ngày hội, Xuân Đất Việt.

–        Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

– Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa Thể thao và Du lịch.

 

Nghệ nhân Đào Trọng Cường

– Sinh năm: 1954 tại Hà Nội

– Phó Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam

– Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đá quý Nữ trang Thần Châu Ngọc Việt.

– Triển lãm 500 bức tranh đá quý tại Khách sạn Melia năm 2002. Đoạt giải Sao vàng Đất Việt.

– Nghệ nhân Bàn tay vàng năm 2003.

– Giải thưởng Nghệ nhân quốc gia năm 2006.

– Triển lãm tranh đá quý 300 bức cỡ quốc gia năm 2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới dự.

– Năm 2006, vinh dự được Nhà nước cho thực hiện và trao tặng 19 bức chân dung của 19 nguyên thủ 19 nước thành viên tham dự APEC lần thứ 14 tổ chức tại Việt Nam.

– Nhận Giải thưởng tinh hoa Việt Nam và nhiều giải thưởng khác.

Linh An

 

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram