Sống khoẻ

Biện pháp khắc phục độ pH âm đạo tại nhà

Nếu âm đạo bị nhiễm trùng, độ pH trong âm đạo có thể bị mất cân bằng. Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả để duy trì độ pH âm đạo khỏe mạnh.

Mặc dù âm đạo có thể tự làm sạch nhưng việc giữ cho âm đạo khỏe mạnh, độ pH âm đạo cân bằng có tính acid nhẹ, giúp vi khuẩn tốt phát triển và tránh nhiễm trùng rất quan trọng.

Khi có các triệu chứng như ngứa, nóng rát vùng âm đạo có thể sự cân bằng độ pH bị xáo trộn. Độ acid hoặc độ pH của âm đạo giúp bảo vệ chống lại nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm. Vì vậy, độ pH không được vượt quá phạm vi bình thường. Vậy, cách nào để cân bằng độ pH âm đạo?

1. Cân bằng độ pH âm đạo là gì?

Môi trường âm đạo có tính acid tự nhiên, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách tạo ra môi trường bất lợi cho vi khuẩn và nấm có hại. Cân bằng độ pH âm đạo đề cập đến mức độ acid trong âm đạo. Thang đo pH dao động từ 0 đến 14, với số thấp hơn biểu thị độ acid cao hơn và số cao hơn biểu thị độ kiềm cao hơn. Độ pH âm đạo bình thường là từ 3,8 đến 4,5, có độ acid vừa phải. Tuy nhiên, có sự thay đổi về độ pH bình thường của âm đạo dựa vào từng giai đoạn (độ tuổi).

Độ pH âm đạo có thể thay đổi tùy theo nhiều yếu tố, ví dụ:

Hoạt động tình dục: Thông thường, tinh dịch có pH từ 7.2-8. Nếu độ pH dưới 7, tức là có tính acid. Nếu độ pH trên 8, tức là có tính kiềm có thể tạm thời làm tăng độ pH âm đạo.

Kinh nguyệt: Máu có độ pH cao hơn môi trường âm đạo, có thể làm thay đổi độ cân bằng pH trong thời kỳ kinh nguyệt.

Thay đổi nội tiết tố: Mang thai, mãn kinh và các biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến pH âm đạo.

Thuốc kháng sinh: Chúng có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi cùng với vi khuẩn có hại, phá vỡ sự cân bằng.

Thụt rửa và dùng xà phòng mạnh: Những thứ này làm xáo trộn hệ thực vật tự nhiên và độ pH của âm đạo.

Nhiễm trùng: Viêm âm đạo do vi khuẩn và nhiễm trùng nấm men gây ra sự thay đổi cân bằng pH.

2. Các triệu chứng của sự mất cân bằng độ pH âm đạo

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến khi độ pH âm đạo không cân bằng:

Mùi hôi, tanh như cá từ âm đạo.

Dịch tiết âm đạo có thể có màu xám, xanh hoặc có bọt.

Ngứa quanh âm đạo.

Sưng và khó chịu xung quanh âm đạo.

Cảm giác đau hoặc nóng rát ở âm đạo khi quan hệ tình dục.

Đi tiểu gây ra cảm giác nóng rát.

3. 5 biện pháp khắc phục duy trì cân bằng độ pH âm đạo

Để duy trì cân bằng độ pH âm đạo khỏe mạnh, hãy xem xét các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây:

3.1 Bổ sung men vi sinh

Probiotic hỗ trợ cơ thể sản xuất vi khuẩn khỏe mạnh có khả năng chống lại vi khuẩn gây ra mức độ pH âm đạo bất thường. Liệu pháp probiotic có thể mang lại lợi ích ngắn hạn và dài hạn trong điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn, nguyên nhân gây mất cân bằng pH âm đạo. Bổ sung men vi sinh tự nhiên như sữa chua, phô mai và kefir có lợi cho quần thể vi khuẩn giúp âm đạo khỏe mạnh.

3.2 Thử dùng giấm táo

Theo một nghiên cứu năm 2018, nhiều người kết hợp giấm táo vào chế độ ăn uống hàng ngày vì đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu và ít bằng chứng về hiệu quả của giấm táo trong điều trị nhiễm trùng nấm men.

Lưu ý, không nên thụt rửa bằng giấm táo hoặc sử dụng tampon ngâm giấm táo. Việc bôi trực tiếp vào vùng âm đạo, kể cả pha loãng vì có thể gây bất lợi cho mô âm đạo và độ pH, thậm chí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo do phá vỡ sự cân bằng độ pH của âm đạo.

3.3 Tỏi kháng khuẩn

Tỏi được biết đến với tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm nhờ đặc tính kháng sinh từ allicin - thành phần hoạt tính sinh học chính của tỏi.

Mặc dù chưa có nghiên cứu đủ lớn để khẳng định tỏi chữa khỏi bệnh nhiễm trùng nấm men nhưng allicin có thể được sử dụng để ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng nhiễm trùng nấm men, đặc biệt là khi nó được sử dụng cùng với chế độ ăn kiêng hoặc dùng thuốc điều trị.

Theo một nghiên cứu năm 2020, tỏi có thể hỗ trợ điều trị nhiễm trùng âm đạo. Khi được tiêu thụ như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, tỏi thường không có tác dụng phụ. Hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ về việc sử dụng các chất bổ sung tỏi bằng đường uống. Lưu ý tránh sử dụng tỏi trực tiếp trong hoặc xung quanh vùng âm đạo.

3.4 Nước ép nam việt quất

Uống nước ép nam việt quất không đường có thể giúp duy trì sức khỏe đường tiết niệu, có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe âm đạo. Quả nam việt quất có chứa các hợp chất có thể ngăn chặn vi khuẩn có hại bám vào đường tiết niệu.

3.5 Viên đặt âm đạo acid boric

Thuốc đặt âm đạo acid boric giúp thúc đẩy sự cân bằng acid trong âm đạo. Thuốc cũng có thể điều trị nhiễm trùng nấm men ở âm đạo bằng cách làm giảm các triệu chứng như ngứa, rát. Tuy nhiên, acid boric có thể gây một số tác dụng phụ như gây kích ứng, thậm chí đối tác cũng có thể bị kích ứng da. Chỉ nên dùng viêm đặt âm đạo theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa hoặc dược sĩ. Lưu ý thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

4. Những cách khác để kiểm soát sự mất cân bằng độ pH âm đạo

Dưới đây là một số cách để quản lý độ pH âm đạo không cân bằng:

Tránh thụt rửa vì nó có thể phá vỡ hệ vi sinh vật tự nhiên và độ pH của âm đạo. Âm đạo có khả năng tự làm sạch và không cần rửa bên trong.

Mặc đồ lót bằng vải cotton thoáng khí, tránh quần áo bó sát để làm giảm sự tích tụ độ ẩm và duy trì môi trường lành mạnh.

Thực hành vệ sinh tốt bằng cách rửa vùng sinh dục bên ngoài bằng xà phòng nhẹ và nước. Tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm có thể phá vỡ sự cân bằng độ pH tự nhiên.

Uống nhiều nước giúp duy trì lượng nước tổng thể trong cơ thể và ảnh hưởng tích cực đến môi trường âm đạo bằng cách đảm bảo sản xuất đủ chất nhầy và thải độc tố.

Bách Nguyên (Theo songkhoe)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram