Táo không chỉ là một loại trái cây thơm ngon mà còn là "người bạn đồng hành" tuyệt vời cho người bệnh tiểu đường.
Người mắc bệnh tiểu đường nên tăng cường tiêu thụ rau củ quả trong chế độ ăn uống của mình bởi chúng cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa, đồng thời ít gây biến động lượng đường trong máu. Đặc biệt, các loại rau củ quả như táo không chỉ hỗ trợ kiểm soát đường huyết mà còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim và ung thư.
Táo giàu chất dinh dưỡng
Táo là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt hữu ích cho người mắc bệnh tiểu đường. Một quả táo cỡ vừa cung cấp khoảng 104 calo, 27g carbohydrate, 9mg vitamin C, cùng với lượng lớn chất xơ và chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm viêm hiệu quả. Đa phần giá trị dinh dưỡng của táo nằm ở lớp vỏ, do đó, rửa sạch và ăn cả vỏ sẽ giúp bạn tận dụng tối đa lợi ích dinh dưỡng.
Đối với người tiểu đường, việc quản lý chất béo, carbohydrate và protein rất quan trọng vì những chất này ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu. Mặc dù một quả táo cỡ trung bình chứa 27g carbohydrate, hàm lượng chất xơ cao trong táo giúp tạo cảm giác no lâu và giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ duy trì cân nặng ổn định.
Đường trong táo chủ yếu là fructose, ít tác động đến mức đường huyết. Chất xơ trong táo làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, ngăn ngừa sự tăng đột ngột của đường huyết. Hơn nữa, polyphenol - hợp chất thực vật có trong táo - cũng góp phần làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate và kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Chỉ số đường huyết trong táo thấp
Táo có chỉ số đường huyết (GI) ở mức trung bình, do đó tác động của nó đến lượng đường trong máu là khá nhẹ. Điều này có nghĩa là táo không gây ra những biến động đột ngột về đường huyết, làm cho nó trở thành một lựa chọn an toàn cho người mắc bệnh tiểu đường.
Táo giúp giảm tình trạng kháng insulin
Có ba loại bệnh tiểu đường chính: type 1, type 2 và tiểu đường thai kỳ. Bệnh tiểu đường type 1 là một rối loạn tự miễn dịch, khiến tuyến tụy không sản xuất đủ insulin – hormone cần thiết để vận chuyển đường từ máu vào tế bào. Trong khi đó, tiểu đường type 2 không chỉ do cơ thể sản xuất không đủ insulin mà còn do tình trạng kháng insulin.
Việc ăn táo đều đặn có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin và kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả. Điều này nhờ vào các hợp chất thực vật polyphenol có trong táo, đặc biệt là ở vỏ táo, giúp kích thích tuyến tụy sản xuất insulin. Ngoài ra, polyphenol còn cải thiện độ nhạy của cơ thể với insulin và giảm tình trạng kháng insulin.
Việc ăn táo đều đặn có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin và kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả
Táo giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường
Những quả táo càng giòn và có màu đỏ sẫm thường chứa nhiều chất chống oxy hóa. Các chất này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các phản ứng hóa học có hại trong cơ thể, từ đó bảo vệ bạn khỏi các bệnh mạn tính. Một số chất chống oxy hóa tiêu biểu trong táo như quercetin có khả năng làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, giúp phòng tránh hiện tượng tăng đường huyết. Axit chlorogenic giúp cơ thể sử dụng đường hiệu quả hơn, trong khi phlorizin có khả năng làm chậm quá trình hấp thụ đường và giảm lượng đường trong máu.
Người bị tiểu đường có thể thưởng thức táo bằng cách ăn nguyên quả hoặc kết hợp vào các món salad. Mỗi ngày, chỉ nên tiêu thụ khoảng một quả táo cỡ vừa. Nên hạn chế uống nước ép táo vì chúng chứa nhiều đường hơn và thiếu chất xơ so với táo nguyên quả. Để giữ lượng đường trong máu ổn định, hãy chia nhỏ lượng rau củ quả ăn trong ngày thay vì ăn một lần.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)