Văn sĩ Quỳnh Dao - "bà hoàng dòng truyện ngôn tình", tác giả của "Xóm vắng", "Dòng sông ly biệt" - qua đời ngày 4/12.
Theo nguồn tin các tờ Ettoday, Next Apple, China Press, văn sĩ "chọn được qua đời" ở tuổi 86. Next Apple cho biết khi nhân viên y tế có mặt tại nhà bà ở Đài Bắc, bà đã ngưng tim, không còn dấu hiệu sự sống. Con trai của nữ sĩ nói bà để lại di thư. Trước khi qua đời, Quỳnh Dao dặn thư ký về nhà riêng của bà vào buổi trưa cùng ngày để xử lý công việc. Khi đến nơi, người này thấy Quỳnh Dao bất tỉnh nên gọi cấp cứu.
Năm ngày trước khi mất (28/11), nhà văn đăng bài viết dài trên trang cá nhân, thể hiện nỗi nhớ chồng - ông Bình Hâm Đào, trong đó có đoạn: "Hay là vì thời tiết chuyển lạnh, hay là vì phía sau núi có tiếng chim liên tục gọi, nghe như chim đang nói 'chi bằng đi về thôi'. Mấy hôm nay, em thực sự rất nhớ anh".
Trong bài viết cuối cùng, nữ sĩ cho biết gần đây, bà bận làm những việc cuối cùng của cuộc đời. Nhà văn muốn "sắp xếp mọi thứ ổn thỏa", để không rơi vào hoàn cảnh của chồng trước đây, là đau ốm, nằm liệt giường quá lâu, không thể tự ăn uống, phải phụ thuộc vào máy thở.
Tháng 3/2017, Quỳnh Dao công khai bức thư dặn dò con cháu những điều sau khi bà mất. Trong thư, Quỳnh Dao ghi rõ nếu bệnh nặng, bà muốn thực hiện "quyền được chết". Bà không muốn mai táng theo bất kỳ nghi thức tôn giáo nào. Nữ sĩ dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã, không làm giỗ, không cúng bái tiết Thanh Minh.
Quỳnh Dao qua hai đời chồng, bà có con trai với người chồng thứ nhất. Sau khi ly dị, bà trải qua tám năm làm người thứ ba trong hôn nhân của ông Bình Hâm Đào. Sau đó, vợ ông Bình rời đi, để chồng kết hôn cùng Quỳnh Dao. Quỳnh Dao và ông Bình Hâm Đào không có con chung.
Sinh ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, tên thật là Trần Triết, bà theo cha mẹ tới Đài Loan sinh sống từ năm 1949, sáng tác từ lúc là nữ sinh trung học. Năm 17 tuổi, lấy bút danh Tâm Như, bà phát hành tiểu thuyết đầu tiên - Bóng mây. Quỳnh Dao nổi tiếng từ năm 1963 nhờ tiểu thuyết Song ngoại.
Ngoài bút danh Quỳnh Dao, nhà văn từng sử dụng tên Phượng Hoàng, Tâm Như. Nữ văn sĩ được mệnh danh là "bà hoàng dòng tiểu thuyết ngôn tình" Trung Quốc, với một loạt cuốn sách ăn khách như Song ngoại, Kỷ độ tịch dương hồng, Bên dòng nước, Mùa thu lá bay, Mỏi mắt ngóng trông, Hoàn Châu cách cách, Yên vũ mông mông (Dòng sông ly biệt), Xóm vắng.
Nhiều tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim, làm nên tên tuổi của Lâm Thanh Hà, Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tưởng Cần Cần. Bà cũng là người viết lời nhiều ca khúc được yêu thích như Trong mơ, Bến xe ly biệt, Chàng là gió thiếp là cát.
Tại Việt Nam, có thể chia thành ba giai đoạn độc giả trong nước tiếp nhận những tác phẩm của Quỳnh Dao theo sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, xã hội. Trước năm 1975, Quỳnh Dao được biết đến qua bản dịch bốn truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn học, số 68, xuất bản ngày 15/10/1966, dịch giả - tác giả tên tuổi từ trước năm 1945 là Vi Huyền Đắc. Sau đó NXB Hàn Thuyên cho in cuốn tiểu thuyết Song ngoại, NXB Khai Hóa cho in tác phẩm Cơn gió thoảng.
Đến tác phẩm Cánh hoa chùm gởi đăng dài kỳ trên tuần báo Đời, hiện tượng Quỳnh Dao trở thành cơn sốt với độc giả miền Nam. Loạt các tác phẩm của bà được dịch và ấn hành và chinh phục lớp công chúng trẻ thời đó, nhất là phụ nữ. Năm 1972, Tạp chí Văn học dành riêng một số chuyên đề về Quỳnh Dao, lý giải vì sao tác phẩm của bà ăn khách.
Năm 1973, khi cơn sốt Quỳnh Dao lên đến đỉnh diểm, tác giả Đào Trường Phúc xuất bản một tập tiểu luận lấy tên là Hiện tượng Quỳnh Dao (NXB Khai Hóa). Sau năm 1975, một thời gian dài, những tác phẩm của bà không được nhắc đến, nếu có, cũng được xếp vào những tác phẩm không nên đọc, thậm chí bị phê phán. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi và bầu không khí mở cửa của đất nước, đầu thập niên 1990, những tác phẩm của bà gây sốt trở lại qua các bản dịch của Liêu Quốc Nhĩ, đồng thời xuất hiện dưới một hình thức khác, đó là những bộ phim dài kỳ ăn khách của Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc).
Theo Vnexpress