Gạo lứt là hạt gạo còn nguyên lớp cám bên ngoài. Lớp cám này chứa rất nhiều dưỡng chất nên gạo lứt được xem là một trong những thực phẩm lành mạnh. Có rất nhiều loại gạo lứt khác nhau như gạo lứt huyết rồng, gạo lứt hữu cơ, gạo lứt tím than, gạo lứt nếp, gạo lứt đen, gạo lứt đỏ… Do còn nguyên lớp cám bên ngoài nên khi nấu gạo lứt, bạn cần chú để hạt cơm chín mềm, không bị khô…
Cách nấu cơm gạo lứt như thế nào để không bị khô, giữ lại vẹn nguyên thành phần dinh dưỡng vốn có rất quan trọng với nhiều người theo đuổi phương pháp thực dưỡng, ăn kiêng… Chỉ cần nấu đúng, cơm gạo lứt thơm ngon không kém gì cơm gạo tẻ.
Nguyên liệu
300g gạo lứt đỏ
600g nước lọc
200g đậu đỏ (có thể thay thế bằng các loại đậu khác)
Ngâm gạo
Bạn mang gạo đi ngâm nước trong thời gian 10h. Cứ sau 5h, bạn sẽ thay nước ngâm một lần. Đối với những nơi có khí hậu lạnh, bạn nên ngâm gạo với nước ấm 30 độ C.
Sau khi đã ngâm đủ thời gian 10h, bạn vớt ra, rửa gạo lại 1 lần nữa.
Ủ gạo lứt để nảy mầm
Cho gạo vào rổ tre đã được làm ướt trước đó, dùng 1 miếng khăn màu đen nhúng nước, vắt khô phủ lên trên rổ gạo. Nếu không có rổ tre, bạn có thể cho trực tiếp gạo lứt vào khăn rồi gói lại.
Tiếp theo, bạn cho rổ gạo vào thùng xốp, đậy hé nắp thùng, để ủ trong thời gian 20h. Sau thời gian 12h, bạn kiểm tra 1 lần nếu thấy mầm đã nảy dài 0.5 – 1mm là được. Tùy theo nhiệt độ thời tiết mỗi nơi sẽ có thời gian ủ khác nhau nên cứ sau 12h, bạn kiểm tra 1 lần.
Sơ chế đậu
Đậu mang đi ngâm nước trong khoảng 6 – 8h, vớt ra rửa sạch lại.
Nấu cơm gạo lứt
Trộn đều gạo lứt đã ủ cùng với đậu đã ngâm, ½ muỗng cà phê muối, 600ml nước, 1 muỗng canh dầu mè vào nồi. Tiếp theo bấm chế độ cook nấu cho đến khi nồi chuyển sang chế độ warm. Sau đó bạn đợi 5 phút, bấm lại chế độ cook 1 lần nữa để nấu lần 2.
Sau 2 lần nấu, bạn dùng vá ép chặt xuống cho đến khi thấy dẻo dính là được. Cách làm này giúp cho hạt cơm khi nguội không bị khô.
Tỷ lệ nước nấu gạo lứt sẽ là 1:2 hoặc 1:3 tùy theo từng loại nồi cơm điện thông minh hoặc nồi thông thường khác.
Khánh Chi