Đẹp plus

Thời trang số liệu có phải là giải pháp?

Fast fashion đã luôn là vấn đề nhức nhối của ngành thời trang bởi sự bành trướng nhưng độc hại của nó. Người tiêu dùng - nhất là giới trẻ dường như luôn phụ thuộc vào Thời trang nhanh bởi khả năng "bắt trend", giá thành rẻ mà chấp nhận bỏ qua những tác động tiêu cực đến môi trường. Liệu Digital Fashion - một ứng cử viên mới cho giải pháp thời trang bền vững có thể giải quyết bài toán hóc búa này?

Fast Fashion – Thời trang nhanh và những điều có thể bạn đã biết

Fast fashion là những bộ quần áo được sản xuất nhanh với nhân công và nguyên liệu rẻ, "lấy cắp" những mẫu thiết kế mới nhất từ những sàn diễn thời trang nổi tiếng. Giá trị của những thứ quần áo này sẽ giảm ngay khi không còn hợp thời, và dĩ nhiên, giá rẻ cũng đi kèm chất lượng tương xứng. Những bộ đồ thời trang nhanh rất dễ bị vứt bỏ và thường sẽ chất đống tạo thành những bãi "rác" thời trang khổng lồ.


Tính trên phạm vi toàn cầu, ngành thời trang mỗi năm tạo ra tới 92 triệu tấn phế liệu vải vóc, quần áo bị vứt bỏ. Các bãi rác thời trang sau đó sẽ được chuyển đến một khu vực để đốt. Quá trình này thải ra một lượng lớn khí độc gây nguy hại cho môi trường và sức khoẻ con người.

Việc các nhãn hàng Thời trang nhanh "chạy đua" với nhu cầu của người dùng cũng mang lại những tác động tiêu cực tới môi trường. Thời trang là ngành tiêu thụ nước lớn thứ hai thế giới. Với các biện pháp bảo vệ môi trường không đầy đủ, những hóa chất như thuốc nhuộm vải, thuốc trừ sâu để trồng bông cũng có thể rò rỉ vào đường nước sinh hoạt của con người.

Gen Z và thời trang "ăn liền"


Gen Z là đối tượng dễ tiêu thụ nhiều mặt hàng thời trang nhanh hơn cũng bởi giá cả phải chăng, tính thịnh hành của loại quần áo này đáp ứng được nhu cầu "sống ảo" của họ. Dữ liệu từ Mintel cho thấy Gen Z mua sắm thời trang nhiều hơn các thế hệ cũ, trong đó có 64% thanh niên từ 16 đến 19 tuổi thừa nhận chưa từng mặc một số món họ mua. Tuy nhiên, Gen Z cũng là những đối tượng quan tâm nhiều hơn đến tác động môi trường khi mua hàng: 70% thanh niên 16-19 tuổi đồng ý rằng tính bền vững là một yếu tố quan trọng khi mua các mặt hàng thời trang, so với chỉ 20% của những người ở thế hệ trước. Lý giải cho điều nghịch lý này, nghiên cứu của Overgaard cho rằng Gen Z tuy coi mình là những người tiêu dùng có ý thức nhưng lại được khuyến khích tiêu dùng các mặt hàng thời trang nhiều hơn vì nhu cầu chạy theo xu hướng của họ.


 Digital Fashion – Thời trang của tương lai

Trong vài năm gần đây, người dùng, đặc biệt là thế hệ "kỹ thuật số bản địa" đã không còn quá xa lạ với khái niệm "số hoá" thời trang. Thời kỳ đại dịch và hậu đại dịch đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp thời trang khai thác tiềm năng dồi dào từ công nghệ: từ phòng thử đồ ảo, sàn diễn ảo,…và gần đây nhất là Thời trang ảo – xu hướng phát triển để dần hội nhập với sự xuất hiện của Metaverse, và được dự đoán có khả năng giảm thiểu những tác động của thời trang vật lý đến môi trường.


Digital Fashion hay Thời trang ảo là quần áo 3D được thiết kế dựa trên con người thật hoặc hình ảnh họ gửi. Thay vì sử dụng vải dệt, những món đồ này được tạo ra bằng các chương trình máy tính 3D đặc biệt như Blender và CLO3D. Đặc biệt hơn cả là nó không có ràng buộc sáng tạo hay giới hạn sản xuất – giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của các nhà thiết kế. So với sản xuất hàng may mặc truyền thống, Digital Fashion không tạo ra chất thải vải, giảm lượng khí thải cacbon, và vì thế thân thiện hơn với môi trường.

Digital Fashion mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm "có một không hai", bởi mỗi bộ trang phục được làm ra đều có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu thiết kế dù là "điên rồ" nhất từ khách hàng, mà cũng không nhất thiết tuân theo các số đo hay tiêu chuẩn cơ thể của xã hội. Vì vậy, Digital Fashion luôn giữ được tính độc nhất và tính cá nhân cao, có thể đáp ứng được nhu cầu khắt khe về sự đổi mới cùng mong muốn thể hiện cái tôi của người trẻ thông qua quần áo họ mặc.


Ở mức độ "tối thiểu" nhất, những bộ trang phục thường ngày cũng có thể được dựng lại trên máy tính đạt được ở mức đẹp và rất giống thật.

Linh An

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram