Phụ nữ ai cũng mong muốn sở hữu vòng một căng tròn, quyến rũ để tự tin hơn khi diện trang phục gợi cảm, cá tính. Tuy nhiên, không phải ai cũng được ban tặng một "đôi gò bồng đào" như ý. Vì thế, nhu cầu nâng ngực ngày càng được nhiều người quan tâm và những thắc mắc xung quanh vấn đề nâng ngực sao cho thật tự nhiên và an toàn là điều mà ai cũng muốn tìm được lời giải đáp.
Ai có thể nâng ngực?
Phẫu thuật nâng ngực không chỉ dành riêng cho phái nữ mà cả nam và nữ trên 18 tuổi nếu có nhu cầu đều có thể nâng ngực. Nâng ngực gần như cũng không có giới hạn tuổi tối đa. Thật vậy, Bệnh viện FV đã từng phẫu thuật thay túi độn ngực, treo túi ngực cho phụ nữ hơn 70 tuổi. Tuy nhiên, những người có vấn đề về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, gan,… bác sĩ phải kiểm tra sức khỏe và đánh giá nguy cơ mới có thể chỉ định được thực hiện phẫu thuật nâng ngực hay không.
Phẫu thuật nâng ngực được thực hiện chủ yếu bằng việc đưa túi độn vào trong ngực để tạo hình vú. Hiện nay, thị trường có rất nhiều loại túi độn ngực với kích thước khác nhau, nhưng phổ biến nhất là túi hình tròn, giọt nước, bề mặt trơn hoặc nhám, với kích cỡ dao động từ hơn 100 đến 400cc. Theo bác sĩ Võ Thanh Sang, không phải cứ túi độn ngực to và đắt tiền là đẹp mà phải chọn lựa túi độn đúng kích thước, theo "tiêu chuẩn vàng" để có được vòng một như thật mà vẫn đảm bảo an toàn.
Vòng một được xem là đẹp khi chỉ số đáp ứng tiêu chuẩn về "tam giác vàng" được đo từ đỉnh xương ức đến hai đầu vú luôn phải là tam giác cân. Sau khi có chỉ số vòng ngực, bác sĩ sẽ tư vấn các loại túi vừa đảm bảo theo tỉ lệ, vừa thích hợp sao cho vòng một y như thật mà không mang đến cảm giác khó chịu khi đã đặt túi. Bạn nên cân nhắc thật kỹ về "ngực khủng" bởi sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và cả sức khỏe. Ví dụ một người khung ngực giới hạn 12cm nhưng đặt túi 14cm sẽ khiến ngực xấu hơn hoặc da ngực trong giới hạn có thể đặt được túi size 400cc mà đặt túi to hơn thì nguy cơ gây biến chứng rất cao, không tốt cho sức khỏe.
Sau nâng ngực ít nhất 1 năm, bạn có thể phẫu thuật để nâng kích cỡ ngực. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên từ ban đầu, bạn nên chọn túi ngực to hơn một chút so với kích thước mong muốn, về lâu dài, khi da, mô dãn ra, túi ngực trông sẽ cân xứng hơn và bạn không cần phải phẫu thuật lần nữa.
Căn cứ vào nguy cơ bao xơ và bao xơ co thắt ở mỗi người, cũng như vị trí đặt túi mà bác sĩ sẽ tư vấn nên chọn túi ngực trơn hay nhám. Túi ngực trơn hay nhám đều không ảnh hưởng đến mô vú. Ở túi ngực trơn, cảm giác sẽ mềm mại hơn túi nhám, nhưng túi trơn dễ di chuyển nên nguy cơ bị bao xơ, co thắt nhiều hơn túi nhám.
Có nhiều vị trí để đưa túi độn ngực vào cơ thể, phổ biến nhất là đường nách, quầng vú, và nếp vú. Tùy vào mỗi người, bác sĩ sẽ chọn vị trí thích hợp nhất. Trường hợp quầng vú nhỏ, khi đặt túi ngực vào quầng vú sẽ to ra nên bạn không nên lo lắng về cân xứng. Nếu bạn còn sinh nở, bác sĩ sẽ tư vấn phẫu thuật đặt túi độn ngực thông qua đường nếp vú, đường này làm cho túi độn ngực đi bên dưới tuyến vú, giúp tuyến sữa còn nguyên vẹn.
Thời gian hồi phục và những lưu ý về vận động sau phẫu thuật
Một ca phẫu thuật nâng ngực kéo dài 60 đến 90 phút tùy theo thủ thuật đặt túi, cắt da thừa, treo túi,… bạn chỉ cần ở Bệnh viện một đêm để được theo dõi sức khỏe. Sau 7-10 ngày, vết thương lành và có thể chịu được tác động nhẹ. Sau 3-6 tháng, bạn có thể tập GYM. Riêng những môn thể thao tác động mạnh như đá bóng, bóng chuyền, yoga, võ thuật,… đến tháng thứ 6 sau mổ hãy tham gia vì lúc này, da ngực cũng đã thích nghi với túi độn, mềm mại gần như đã trở thành của bạn. Túi ngực ổn định hơn 10 năm, hoặc gần như trọn đời. Tuy nhiên, mỗi năm bạn nên đi tầm soát túi ngực một lần.
Kiểm tra túi ngực kịp thời
Năm 2019, báo chí từng đăng tải tin một phụ nữ bị vỡ túi ngực khi đang đi máy bay gây xôn xao dư luận. Liệu túi ngực có dễ vỡ như vậy? Hiện tại, chưa có một bằng chứng y khoa nào ghi nhận túi độn ngực bị vỡ bởi áp lực, nhất là khi đi tàu, xe, máy bay,… Túi độn ngực chịu được tác động rất lớn, thậm chí có thí nghiệm cho xe tải chạy qua vẫn không "xi nhê". Tuy nhiên, túi độn ngực rất dễ bị thủng và có nguy cơ rò rỉ nếu vật nhọn đâm vào. Vì vậy, khi có vật nhọn xuyên qua ngực, bạn cần đến bác sĩ để được kiểm tra.
Túi ngực khi đặt vào sẽ có cảm giác căng tròn mềm mại, tự nhiên. Nếu người sử dụng cảm nhận được ngực mềm bất thường, mất căng một cách đột ngột, ngực méo mó, không cân hai bên, không còn tròn nữa nên đi khám lại bằng siêu âm, MRI để tầm soát. Một số trường hợp người đặt túi ngực bị nhiễm trùng, đau nhức, bao xơ hoặc thậm chí bị hoại tử là do việc đặt túi ngực được thực hiện không đúng quy trình.
Túi độn ngực cho tia X-Quang xuyên qua nên gần như không ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán hình ảnh nhưng bạn cũng nên báo trước với kỹ thuật viên về việc nâng ngực khi thực hiện các thăm khám tầm soát vùng ngực.
Phẫu thuật nâng ngực là một thủ thuật quan trọng, nếu không làm đúng sẽ gây ra nhiều biến chứng kinh khủng. Do vậy, trước quyết định nâng ngực, bạn nên đến các cơ sở uy tín, được cấp phép và có trình độ chuyên môn cao để được thăm khám, tư vấn kỹ lưỡng để tránh trường hợp chưa kịp đẹp đã phải đối mặt với đau đớn, tái tạo lại ngực hoặc thậm chí phải cắt bỏ ngực.
Khánh Chi (tổng hợp)