Rối loạn chức năng cương dương (hay còn gọi là bất lực) đôi khi có thể xảy ra trong một vài thời điểm của cuộc sống như căng thẳng. Tuy nhiên, nếu bị rối loạn cương dương thường xuyên có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe hoặc rắc rối về tình cảm cần được giải quyết.
Rối loạn chức năng cương dương (bất lực) là tình trạng không thể đạt được sự cương cứng, duy trì sự cương cứng đủ để giao hợp hoặc xuất tinh một cách bình thường. Rối loạn cương dương có thể xảy ra do các vấn đề ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình cương cứng.
Sự cương cứng là kết quả của việc tăng lưu lượng máu vào dương vật của nam giới. Lưu lượng máu thường được kích thích bởi suy nghĩ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp với dương vật.
Khi dương vật bị kích thích tình dục, cơ trong các mạch máu ở dương vật sẽ giãn ra. Điều này cho phép tăng lưu lượng máu qua các động mạch dương vật, lấp đầy hai khoang bên trong dương vật. Khi các khoang chứa đầy máu, dương vật sẽ cương cứng. Sự cương cứng kết thúc khi các cơ trong mạch máu co lại và máu tích tụ có thể chảy ra ngoài qua các tĩnh mạch dương vật.
Các rối loạn tình dục khác liên quan đến rối loạn cương dương bao gồm: xuất tinh sớm, xuất tinh chậm, không đạt cực khoái hoặc không có khả năng đạt được cực khoái sau khi được kích thích nhiều.
Bất lực thường có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tình dục và có thể gây ra căng thẳng, trầm cảm và mặc cảm, tự ti. Nam giới nên tìm hiểu về những nguyên nhân phổ biến nhất để có giải pháp xử lý phù hợp.
Do mắc các bệnh nội tiết
Hệ thống nội tiết của cơ thể sản xuất các hormone điều chỉnh sự trao đổi chất, chức năng tình dục, sinh sản, tâm trạng và nhiều ảnh hưởng khác. Bệnh đái tháo đường là một ví dụ của một căn bệnh nội tiết có thể khiến nam giới bị bất lực.
Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến khả năng sử dụng hormone insulin của cơ thể . Một trong những biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường là tổn thương dây thần kinh. Điều này ảnh hưởng đến cảm giác của dương vật.
Các biến chứng khác liên quan đến bệnh đái tháo đường bao gồm suy giảm lưu lượng máu và nồng độ hormone. Cả hai yếu tố này đều có thể góp phần gây ra chứng bất lực.
Rối loạn thần kinh
Một số bệnh lý thần kinh có thể làm tăng nguy cơ bất lực. Tình trạng dây thần kinh ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của não với hệ thống sinh sản có thể khiến nam giới không thể cương cứng.
Rối loạn thần kinh liên quan đến bất lực bao gồm:
Bệnh Alzheimer, Bệnh Parkinson, Khối u não hoặc cột sống, Bệnh đa xơ cứng, Động kinh thùy thái dương…
Trường hợp đã phẫu thuật tuyến tiền liệt có thể bị tổn thương dây thần kinh, dẫn đến liệt dương.
Ngoài ra, những người đi xe đạp đường dài cũng có thể bị liệt dương tạm thời. Áp lực lặp đi lặp lại lên mông và bộ phận sinh dục có thể ảnh hưởng đến chức năng của các dây thần kinh.
Các tình trạng liên quan đến tim
Các tình trạng ảnh hưởng đến tim và khả năng bơm máu có thể gây ra bất lực. Không có đủ lưu lượng máu đến dương vật, nam giới không thể đạt được sự cương cứng.
Xơ vữa động mạch làm cho các mạch máu bị tắc nghẽn có thể gây ra liệt dương. Cholesterol cao và tăng huyết áp cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ liệt dương.
Do dùng thuốc
Dùng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu, có thể dẫn đến rối loạn cương cương như: thuốc hóa trị ung thư, thuốc trầm cảm hệ thần kinh trung ương, thuốc lợi tiểu, kích thích tố tổng hợp, chất kích thích thần kinh trung ương…
Tuy nhiên, người bệnh không được ngừng dùng thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Yếu tố lối sống và rối loạn cảm xúc
Để đạt được sự cương cứng, trước tiên bạn phải trải qua giai đoạn hưng phấn. Giai đoạn này có thể là một phản ứng cảm xúc. Nếu bạn bị rối loạn cảm xúc, nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng hưng phấn tình dục.
Trầm cảm và lo lắng cũng có liên quan đến tăng nguy cơ bất lực. Trầm cảm là cảm giác buồn bã, mất hy vọng hoặc bất lực. Mệt mỏi liên quan đến trầm cảm cũng có thể gây ra bất lực.
Lo lắng về khả năng tình dục cũng có thể gây ra bất lực. Nếu trước đây bạn không thể cương cứng, bạn có thể lo sợ rằng mình sẽ không thể cương cứng trong những lần quan hệ tiếp theo.
Một số người cũng có thể thấy bản thân không thể đạt được sự cương cứng với một đối tác nhất định, có thể cương cứng hoàn toàn khi thủ dâm hoặc khi ngủ, nhưng không thể duy trì sự cương cứng trong khi giao hợp.
Ngoài ra, người có lối sống không lành mạnh như lạm dụng rượu và nghiện rượu cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đạt được hoặc duy trì sự cương cứng.
Làm gì khi có dấu hiệu bất lực?
Theo ThS. BS Nguyễn Văn Đức, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu – Nam học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, có nhiều biện pháp điều trị và cải thiện chứng rối loạn cương dương, bao gồm can thiệp y tế và thay đổi lối sống.
Người bệnh nên đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và được được tư vấn biện pháp can thiệp phù hợp. Cụ thể, đối với nam giới bị rối loạn cương dương do bệnh đái tháo đường cần điều trị kiểm soát bệnh và thay đổi lối sống như: giảm ăn các chất béo và cholesterol, tập thể dục, giảm cân, bỏ hút thuốc, hạn chế tối đa rượu bia và thường xuyên tự kiểm tra đường huyết…
Trong nhiều trường hợp, thực hiện biện pháp thay đổi lối sống có thể cải thiện hiệu quả tình trạng bất lực bao gồm:
Thực hiện lối sống lành mạnh, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý
Ngủ đủ giấc
Có chế độ ăn uống lành mạnh
Tập thể dục thường xuyên
Tránh căng thẳng, tress
Không hút thuốc
Hạn chế uống rượu bia
Tăng cường sự giao tiếp, thấu hiểu, chia sẻ với bạn đời/bạn tình.
Bách Nguyên (Theo suckhoetinhduc)