Tết đến, xuân về là dịp để sum vầy và nghỉ ngơi, tuy vậy giữ gìn sức khỏe là vấn đề không thể lơ là. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân những điều cần lưu ý sau đây để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Cẩn trọng với uống rượu, bia
Uống rượu bia là điều không thể tránh khỏi trong những bữa tiệc tất niên và chúc mừng năm mới. Tuy nhiên, gần đây, ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận 2-3 ca ngộ độc rượu nhập viện trong các tình trạng khác nhau.
ThS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể.
"Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là loại "độc chất" gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh"- chuyên gia chống độc nói.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống.
Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Để bảo vệ sức khỏe, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 02 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 01 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.
Không điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc sau khi đã uống rượu, bia.
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên thì tuyệt đối không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.
Các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, các bệnh lây qua đường hô hấp… rất dễ lây truyền ở những nơi đông người.
Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ…
Người dân nên ăn chín, uống chín. Sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; Không ăn thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh, ốm chết.
Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn (heo) chưa được nấu chín.
Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi chưa được khử trùng.
Không dùng chung các vật dụng cá nhân như: bàn chải, khăn ăn, khăn tay,…
Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng khí. Ngủ màn, phòng chống muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn.
Đối với những người về quê hoặc đi du lịch, cần chủ động tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh ở nơi đến để chủ động phòng chống dịch, bệnh.
Bách Nguyên (Theo Suckhoedoisong)