Dính buồng tử cung thường xảy ra với những chị em phụ nữ đã từng can thiệp buồng tử cung như nạo, hút thai, bóc tách u xơ tử cung và để lại những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản.
1. Dính buồng tử cung là gì?
Dính buồng tử cung là hiện tượng niêm mạc tử cung bị tổn thương có thể do các nguyên nhân: sau nạo hút, thai lưu, sảy thai hoặc một số thủ thuật nạo niêm mạc buồng tử cung, nạo polyp buồng tử cung khiến lớp niêm mạc buồng tử cung bị mất đi và lộ ra lớp dưới niêm mạc. Lớp dưới niêm mạc có tính chất gây dính nên tạo thành những dải xơ dính trong buồng tử cung khiến diện tích buồng tử cung hẹp lại, ngăn cản sự làm tổ của phôi thai.
Nếu bị dính nhẹ buồng tử cung, người phụ nữ thường không có triệu chứng, vẫn có thể mang thai bình thường. Nhưng trong trường hợp dính trung bình, dính nặng hay dính ở vị trí quan trọng thì có thể gây nên vô sinh, thai lưu, sảy thai hoặc sinh non.
Có hai dạng dính buồng tử cung:
Tử cung dính hoàn toàn: Là thành niêm mạc tử cung trước và sau dính hoàn toàn vào nhau người phụ nữ, sẽ dẫn tới vô kinh, vô sinh thứ phát.
Tử cung bị dính một phần: Trường hợp này người phụ nữ có số ngày hành kinh ít, lượng máu giảm không đồng nhất. Tuy nhiên họ vẫn sẽ có khả năng mang thai gây ra trường hợp dính buồng tử cung khi mang thai.
2. Ai dễ bị dính buồng tử cung?
Nguyên nhân gây dính buồng tử cung chủ yếu là do việc can thiệp các biện pháp thủ thuật đến buồng tử cung như:
– Nạo hút thai: Chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thực hiện nạo, hút thai, hoặc nạo hút nhau thai sau sinh, do sảy thai… Trong quá trình thực hiện các thủ thuật này, bác sĩ sẽ làm sạch bên trong nhưng có thể vô tình làm cho lớp niêm mạc tử cung bị tổn thương sâu.
– Do thực hiện các thủ thuật liên quan đến buồng tử cung: Những người phải thực hiện các thủ thuật như bóc tách trong tử cung, trị xạ, cắt nội mạc tử cung bằng điện, vi sóng trong tử cung… gây tổn thương lớp niêm mạc cũng có thể dẫn đến dính buồng tử cung.
– Viêm nhiễm: Phụ nữ bị viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm kết hạch hoặc viêm nhiễm hậu sản… cũng có thể gây nên hội chứng dính buồng tử cung.
3. Dấu hiệu của hội chứng dính buồng tử cung
Kinh nguyệt không ổn định là biểu hiện rõ và dễ nhận thấy nhất của hội chứng dính buồng tử cung. Nguyên nhân là do thành tử cung ở cả 2 phía (phía trước và phía sau) dính lại với nhau làm cho lớp niêm mạc không thể tái tạo trở lại. Từ đó mặc dù cơ thể vẫn có các triệu chứng báo hiệu chu kỳ kinh nguyệt nhưng lượng máu ra ít, kinh thưa, thậm chí là không có kinh… tùy thuộc vào mức độ dính của tử cung.
Sau nạo hút thai, nhiều người gặp phải tình trạng đau bụng dưới dữ dội, thậm chí khi đi lại hay đi vệ sinh cũng có thể bị đau.
Dính buồng tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Khi buồng tử cung bị dính, niêm mạc tử cung không thể phát triển và bong tróc bình thường, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc bế kinh, vô kinh. Nếu không có kinh nguyệt tức là không có dấu hiệu trứng chín và rụng, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy người phụ nữ không thể mang thai.
Nếu buồng tử cung bị dính một phần thì tinh trùng vẫn có thể xâm nhập vào bên trong và kết hợp được với trứng tạo ra phôi thai. Nhưng sau đó, phôi thai không thể đi vào tử cung, gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung hoặc các nguy cơ khác như sảy thai, sinh non.
Nếu buồng tử cung bị dính hoàn toàn thì tinh trùng sẽ không thể đi vào bên trong để giúp trứng thụ tinh được. Đó là một nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.
Ngoài ra, dính buồng tử cung còn có thể xảy ra sau các nhiễm trùng như lạc nội mạc tử cung hay viêm nhiễm phụ khoa. Đây cũng là một dấu hiệu bất thường về sức khỏe của người phụ nữ.
5. Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả
Hội chứng dính buồng tử cung nếu được thăm khám và điều trị sớm, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh kết hợp dùng thuốc và phẫu thuật tùy theo tình trạng bệnh. Lúc này người bệnh được bóc tách thành tử cung trước và sau, sau đó đặt một dụng cụ vào giữa để ngăn chặn sự kết dính trở lại. Sau phẫu thuật, người bệnh được chỉ định dùng thuốc để kích thích lớp nội mạc tử cung dày lên.
Nếu hội chứng dính buồng tử cung là nguyên nhân gây vô sinh, các chất kết dính có thể được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật nội soi tử cung. Người phụ nữ có thể thụ thai tự nhiên sau đó hoặc có thể cần điều trị khả năng sinh sản ngoài phẫu thuật.
Trong trường hợp dính vùng chậu hoặc lạc nội mạc tử cung, việc loại bỏ các chất dính có thể làm giảm đau và có thể cải thiện khả năng mang thai thành công. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, vẫn có thể cần thụ tinh ống nghiệm hoặc điều trị khả năng sinh sản sau phẫu thuật.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)