Sáng ngày 3/5, buổi hội thảo đầu tiên lên sóng với chủ đề "Chuẩn bị sức khỏe tâm lý cho học sinh trở lại trường học sau mùa giãn cách xã hội, phòng ngừa dịch virus Corona" với sự tham gia của Th.S Lê Thị Minh Tâm (Thạc sĩ Khoa học xã hội về Sức khoẻ - Tâm lý gia tại ĐH RMIT Việt Nam).
Buổi trò chuyện giúp cho nhiều phụ huynh tháo gỡ được những vướng mắc và tâm lý lo lắng khi con sắp quay trở lại học tập sau mùa dịch.
Phụ huynh cần phải giữ được cho mình một tâm trạng lạc quan và tích cực trong khoảng thời gian này. Vì con trẻ có xu hướng bị ảnh hưởng bởi cha mẹ.
Theo tâm lý học, nguồn lực về sự bảo vệ được nâng cao thì sự lo âu sẽ thấp đi. Một trong hai nguồn lực đó chính là những kiến thức phòng dịch cho bản thân và gia đình, nguồn lực còn lại chính là những chính sách giữ an toàn môi trường học tập tại trường lớp.
Một khi chúng ta tự trang bị cho bản thân một tâm lý tích cực thì cơ thể sẽ tự nâng cao sức đề kháng, giúp đối phó với bệnh tật tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải giữ kết nối với con, chia sẻ cùng con và chăm sóc vệ sinh giấc ngủ cho con.
Những hoạt động như tham gia trò chơi dân gian, cùng con trồng cây hay nấu nướng,… mà gia đình cùng nhau thực hiện trong thời gian giãn cách thì vẫn nên tiếp tục giữ.
Trong đó, chuyên gia lưu ý rằng việc vệ sinh giấc ngủ cho con là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, sau mùa nghỉ giãn cách xã hội, giờ giấc ngủ của con ít nhiều bị đảo lộn.
Phụ huynh cần lưu ý tránh mang thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại,… vào phòng ngủ của con và tránh để nguồn phát sóng wifi gần nơi con ngủ. Hát vài bản nhạc, kể con nghe vài câu chuyện trước giờ ngủ sẽ giúp con đi vào giấc ngủ thoải mái hơn.
Tiếp nối những chia sẻ của chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Tâm, tối ngày 4/5, VUS tiếp tục tổ chức buổi chia sẻ với bác sĩ Lê Đình Phương – Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện FV Saigon; Giảng viên thỉnh giảng Chương trình đào tạo sau Đại học.
Bác sĩ mang đến buổi thảo luận về dịch bệnh Covid-19 thông qua chủ đề "Sự chuẩn bị và phương pháp giữ gìn vệ sinh cho trẻ ở môi trường học đường".
Trong buổi hội thảo, ông đưa người tham dự tìm hiểu lại nguồn gốc gây bệnh của virus và phân tích chi tiết cách thức lây lan bệnh trong cộng đồng. Ông đánh giá cao và khuyến khích mọi người tuân thủ những biện pháp giữ an toàn cho bản thân như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hắt hơi đúng quy cách an toàn,…
Bằng những hình ảnh và số liệu khoa học cụ thể, bác sĩ Phương chứng minh được nguy cơ lây lan bệnh được giảm thiểu nhiều khi thực hiện những biện pháp kể trên.
Ngoài ra, trong môi trường học đường, bác sĩ đưa ra những cách thức giãn cách trong môi trường học đường như: học lệch giờ, hạn chế sĩ số, giữ khoảng cách ngồi 1-2m, hạn chế hoạt động tập thể, có phương án xử lý khi có học sinh bị sốt,…
Hiện nay, tất cả các cơ sở VUS toàn quốc đang triển khai những biện pháp này nhằm giúp tạo ra môi trường học tập an toàn và an tâm.
Bác sĩ Lê Đình Phương chia sẻ thêm rất đánh giá cao khi biết hai trong số bốn giá trị cốt lõi của một trung tâm Anh ngữ như VUS là Caring (Quan tâm sẻ chia) và Collaborative (Đồng lòng hợp tác).
Vì đây là những yếu tố cần thiết trong thời điểm hiện tại, chúng ta cần phải khuyến khích những hành động quan tâm lẫn nhau, đồng lòng thực hiện những quy tắc ứng xử an toàn để tạo ra một môi trường an toàn và giảm thiểu thái độ kỳ thị với những người mắc hoặc có triệu chứng bệnh.
Sau hai buổi hội thảo này, nhiều phản hồi tích cực đã được phản ánh thông qua phần bình luận của buổi livestream. Chị Quỳnh Như (phụ huynh VUS, ngụ quận 5) chia sẻ: "Tôi biết đến các buổi hội thảo qua tin nhắn của nhà trường. Các thông tin từ chuyên gia rất hữu ích.
Đặc biệt là tôi biết được các khái niệm mới như ‘vệ sinh giấc ngủ’ cho con. Hơn ai hết, cha mẹ cần phải chuẩn bị tinh thần và kiến thức thật tốt để cùng con trở lại học tập, sinh hoạt hằng ngày thật vui và an toàn."
Những buổi trò chuyện tiếp theo sẽ được tiếp tục tổ chức trong thời gian tới thông qua nền tảng livestream trên facebook. Sự kiện hoàn toàn miễn phí với mong muốn của VUS là lan tỏa tinh thần tích cực và hiểu biết đúng đắn về bệnh dịch cho đông đảo người dân. Đó sẽ là nền tảng giúp cho Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch Covid-19 và trở lại nhịp sống năng động, an toàn.