Thông thường, một người rụng khoảng 50 - 100 sợi tóc mỗi ngày. Trong trường hợp tóc dễ bị gãy, số lượng tóc rụng hàng ngày tăng đáng kể.
Có thể hạn chế tóc gãy rụng với chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc, đồng thời tránh thực hiện chăm sóc tóc không lành mạnh và độc hại.
Thiết bị chăm sóc tóc: Thường xuyên sử dụng máy sấy thổi tóc, máy duỗi thẳng hoặc làm quăn tóc. Sức nóng từ các thiết bị này thâm nhập vào tóc, làm cho tóc trở nên dễ bị tổn thương hơn và nhanh chóng bị gãy rụng.
Mỹ phẩm: Sử dụng chất tẩy, thuốc nhuộm tóc cũng sẽ gây ra tóc gãy rụng. Những sản phẩm chăm sóc tóc vừa nêu có chứa các ion hydroxit và các ion peroxit, cả hai loại ion này đều có hại cho tóc.
Phụ kiện cho tóc: Các nguyên nhân gây tóc gãy rụng thông thường khác là phụ kiện cho tóc. Sử dụng kẹp tóc hoặc băng cao su để tạo kiểu tóc hàng ngày sẽ dẫn đến dễ gãy tóc.
Gội đầu quá nhiều và chải tóc không đúng cách cũng là nguyên nhân phổ biến gây tóc gãy rụng. Tránh sử dụng lược mỏng và có răng lược quá dày; thay vào đó, sử dụng một chiếc lược răng thưa và liền mạch.
Tạo kiểu tóc trong khi tóc ướt: Trong khi tóc bạn đang ướt, bạn nên tránh dùng bàn chải hoặc lược. Thay vào đó, bạn cần tạo kiểu tóc bằng các ngón tay trong khi tóc đang ướt để tránh tóc bị hỏng và gãy rụng.
Kéo tóc liên tục: Một trong những nguyên nhân gây tóc gãy rụng phổ biến là do kéo tóc liên tục. Nếu bạn có khuynh hướng xoắn các ngón tay trong tóc, bạn nên ngừng làm như vậy vì nó sẽ làm hỏng tóc, gây căng thẳng hơn cho các sợi tóc.
Giảm cân: Nếu đột ngột mất quá nhiều trọng lượng trong một khoảng thời gian ngắn, có thể xảy ra tóc gãy rụng. Tuy nhiên, không có gì phải lo lắng vì sức khoẻ của tóc sẽ ổn định và trở lại bình thường trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.
Chế độ ăn ít protein: Chế độ ăn chứa protein thấp là một yếu tố góp phần làm tóc yếu và mỏng hơn, thậm chí là tóc gãy rụng. Để tránh bị tóc gãy rụng, hãy đảm bảo chế độ ăn hàng ngày của bạn có chứa protein vì tóc hầu như được tạo thành từ protein và keratin.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Vitamin rất quan trọng đối với sức khoẻ tổng thể, bao gồm sức khỏe của tóc. Các nguyên nhân gây tóc gãy rụng thông thường là thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin E, vitamin B và sắt.
Thay đổi hormon: Những thay đổi nội tiết thường xuất hiện trong thời kỳ mang thai và mãn kinh là một nguyên nhân gây ra tóc gãy rụng. Tóc có xu hướng khô và giòn cùng một lúc.
Ngủ không đủ giấc: Giấc ngủ có ảnh hưởng lớn đến mái tóc của bạn. Nếu bạn là một người hay mất ngủ, tóc của bạn dễ bị hư hỏng và gãy rụng. Trong những trường hợp này, tóc gãy rụng hay gặp ở mặt sau của đầu.
Stress: Thường xuyên bị stress, ảnh hưởng xấu sức khoẻ của mái tóc dẫn đến tóc bị gãy rụng.
Phơi nắng nhiều: Một trong nhiều nguyên nhân gây tóc gãy rụng là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức. Trong những tháng hè nóng bức, tóc có nhiều khả năng bị hư hỏng do ánh nắng mặt trời
Thời tiết lạnh: Thời tiết lạnh có thể làm hỏng tóc, làm cho tóc khô và giòn, mất các chất dinh dưỡng của tóc, làm tóc dễ gãy rụng.
Một số bệnh lý: Tóc dễ gãy rụng có thể là một dấu hiệu của một bệnh lý, chẳng hạn như chứng nhược giáp, rối loạn chán ăn tâm thần.
Giải pháp ngăn gãy rụng tóc
Tránh sử dụng máy sấy khi không cần thiết; Chỉ sử dụng nhiệt độ thấp vừa phải khi sấy tóc; Giữ máy sấy đừng quá gần tóc; Tránh sử dụng thuốc nhuộm tóc khi không cần thiết; Tránh tiếp xúc tóc nhiều với ánh sáng mặt trời; Tránh chất chlorine càng nhiều càng tốt vì sẽ làm cho da đầu của bạn trở nên ngứa và tạo vảy cũng như lm tóc gãy rụng; Tránh búi tóc theo kiểu tóc đuôi ngựa hoặc dây buộc chặt; Tránh gội đầu mỗi ngày; Chọn dầu gội đầu nhẹ nhàng trên tóc và không chứa các hóa chất độc hại; Sử dụng kem dưỡng tóc có chứa vitamin E khi gội rửa tóc; Giữ ẩm tóc thường xuyên bằng cách sử dụng dầu gội giữ ẩm và có chất dưỡng tóc; Cắt tóc thường xuyên mỗi 4 – 6 tuần; Dùng chế độ ăn uống dinh dưỡng cho tóc hàng ngày; Tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và quản lý tốt stress.
Để ngăn chặn tóc của bạn bị gãy rụng, bạn cũng nên đảm bảo nhận được đủ vitamin với chế độ ăn uống hàng ngày. Thực phẩm giàu vitamin E là rau bina, cá hồi hoặc các loại hạt. Thực phẩm giàu vitamin B là sữa, chuối, gia cầm, thịt hoặc bông cải xanh. Thực phẩm giàu chất sắt như hạt bí, đậu nành hoặc các loại ngũ cốc giàu sắt.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)