Bất chợt một lúc nào đó bạn nhìn xuống đôi bàn chân và thấy nó bị "xấu xí" đi rất nhiều. Đôi bàn chân bị chai sần, nứt nẻ không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày . Vì vậy, việc chăm sóc và giữ gìn đôi bàn chân khỏe khoắn, xinh đẹp là điều hết sức cần thiết và quan trọng.
Vì là nơi phải "gánh vác" toàn bộ trọng lượng cơ thể nên bàn chân rất cần được chăm sóc đúng mức. Do tiếp xúc nhiều với nền nhà, "gần gũi" với bụi bẩn và ít được "che chở" như các phần khác của cơ thể nên gót chân thường dễ bị chai sần, nứt nẻ hơn.
Phụ nữ lại thường xuyên làm việc nhà nên bàn chân lại càng có thêm nhiều "cơ hội" tiếp xúc nhiều với nước, xà phòng, chất tẩy rửa… làm mất đi lớp màng bảo vệ da. Vì vậy, lớp da nơi gót chân phụ nữ thường có "nguy cơ" bị nứt nẻ, xấu xí.
Đặc biệt, vào mùa lạnh, nhiệt độ xuống thấp làm tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn hoạt động kém đi, khiến da vừa thiếu nước vừa thiếu lớp màng bảo vệ, chưa kể không khí hanh khô làm cho nước trên bề mặt da bay hơi nhanh hơn, dẫn đến da khô do thiếu nước và trở nên chai sần, nứt nẻ.
Khi lớp da gót chân mất nước và mất đi lớp dầu bảo vệ, gót chân sẽ nhanh chóng thô ráp, chai nứt ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ. Nếu không điều trị kịp thời, các vết nứt nẻ sẽ dễ dàng bị viêm nhiễm, sưng tấy, gây chảy máu và đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
– Mang tất giữ ấm chân khi trời lạnh. Nên chọn những loại tất bằng sợi cotton sẽ thấm hút mồ hôi tốt hơn.
– Không tiếp xúc nhiều với nước và các hóa chất tẩy rửa. Chỉ dùng loại xà phòng nhẹ, dịu.
– Không đi chân trần, chọn loại dép mềm mịn để mang trong nhà.
– Uống nhiều nước mỗi ngày.
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Nhất là bổ sung các vitamin từ rau, quả.
– Dưỡng ẩm gót chân bằng các loại kem có tác dụng dưỡng ẩm mạnh.
– Bạn nên ngâm chân vào nước ấm, bỏ một ít cánh hoa hồng và nửa muỗng muối ăn để khoảng mười phút, làm mỗi buổi tối hoặc ít nhất ba lần một tuần. Dùng đá bọt chà trôi đi những tế bào chết và những vết chai sần. Sau đó lau khô và bôi kem dưỡng có bạc hà để bàn chân được thư giãn, nghỉ ngơi. Khi chân không còn vết nứt thì bạn vẫn phải dùng lotion bôi chân hàng ngày để da chân được mịn màng. Dưỡng ẩm gót chân bằng các loại kem có tác dụng dưỡng ẩm mạnh. Nếu da vẫn có dấu hiệu khô, thô ráp, chai sần, nứt nẻ, hãy lập tức điều trị bằng kem đặc trị chống khô da, nứt gót.
Chọn giày dép đúng cho đôi chân
Chọn giày dép đúng cũng là một cách bảo vệ đôi chân bạn.
Bạn cần mang giày dép đúng cách để giảm bớt những thương tích nhỏ do giày dép quá chật hoặc quá lỏng đem lại. Việc đi giày dép vừa chân sẽ giúp cho chân bạn giảm bớt những nguy cơ bị tổn thương hoặc các bệnh về cơ và khớp.
Không nên đi cùng một đôi giày (dép) mỗi ngày, mà nên có nhiều hơn một đôi để thay đổi.Ví dụ, buổi sáng bạn đi giày cao gót đến công sở, sau đó bạn nên thay nó bằng một đôi giày thấp hơn hoặc đế bệt để cả ngày đôi chân bạn không phải chịu qua nhiều áp lực.
Nên chọn những loại giày dép làm từ chất liệu tự nhiên để cho chân bạn được thoáng mát. Không nên lúc nào cũng đi giày gót cao, có thể hôm nay đi một đôi đế bệt, hôm sau đi giày gót cao. Nếu dùng hàng ngày, bạn nên chọn loại giày (dép) có gót cao chỉ khoảng 2 – 5cm. Giày có dây hay dải buộc phía trên cổ chân tốt hơn là kiểu giày luồn chân. Điều này sẽ giúp bạn không bị trượt chân về phía trước, giống như một chiếc dây thắt an toàn thường thấy ở xe hơi.
Tập thói quen làm thoáng (rửa sạch và lau khô) chân trước và sau khi tập thể dục để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Thay đổi bít tất (vớ) dài ngắn khác nhau, ít nhất một lần một ngày. Nên chọn những loại tất chứa trên 70% bông hoặc len.
Bách Nguyên (Theo Songkhoe)