Bệnh tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở phụ nữ. Có những cách rất đơn giản mà phụ nữ có thể áp dụng để tự kiểm tra tình trạng tuyến giáp của mình ngay tại nhà, chị em có thể áp dụng nhé!
Cách tự kiểm tra khối u tuyến giáp
Các triệu chứng của các vấn đề liên quan tới tuyến giáp thường không rõ ràng và không phải đều liên quan đến một bất thường về cấu trúc chẳng hạn như một khối u. Nhưng có 1 biểu hiện phổ biến nhất của ung thư (UT) tuyến giáp đó chính là có một khối ở cổ.
Những khối u ở cổ có thể do tuyến giáp gặp vấn đề gây ra và chúng cũng có thể do nhiều bệnh lý khác như u lympho (một loại UT ở hệ bạch huyết), áp xe nhiễm trùng, chấn thương…
– Bước 1: Xác định vị trí tuyến giáp: Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ, hình bướm nằm ở phía trước cổ, nằm ngay trên xương đòn và bên dưới hộp thanh quản.
– Bước 2: Đứng trước gương để có thể nhìn thấy cổ, bỏ hết các vật dụng như: Khăn quàng cổ, cà vạt, đồ trang sức hoặc áo cổ lọ có thể cản tầm nhìn. Nếu dùng gương nhỏ thì hãy tập trung vào phần dưới phía trước của cổ nhé.
– Bước 3: Ngoái cổ về một bên, nhìn lên phía trần nhà để có thể kéo dài tầm nhìn của cổ. Mọi người hãy nhấp một ngụm nước và nuốt. Hành động này sẽ di chuyển vị trí của thanh quản về phía trước. Nó cho phép chúng ta hình dung rõ hơn về hình dạng của tuyến giáp và những điểm bất thường dễ thể hiện ra.
Lúc nuốt chúng ta hãy quan sát kỹ để tìm kiếm các chỗ phình ra hoặc nhô ra ở khu vực này. Sau đó mọi người nuốt một ngụm nước khác và quan sát các cấu trúc ở cổ vài lần nữa. Mọi người cố gắng sờ nắn và cảm nhận sự mở rộng, bướu hoặc lồi lõm nha.
Kết quả
Để nhận biết rõ sự khác biệt giữa tuyến giáp và các cấu trúc khác của cổ, mọi người trượt ngón tay xuống đường giữa cổ. Cấu trúc cứng mà chúng ta sẽ chạm phải là sụn tuyến giáp.
Khi tiếp tục di chuyển ngón tay xuống dưới, mọi người sẽ gặp phải một phần sụn khác là sụn khí quản. Tuyến giáp gồm có hai thùy là thùy trái và thùy phải, chúng được nối với nhau bởi eo tuyến giáp.
Cuối cùng nếu mọi người phát hiện thấy các cục u hoặc lồi lõm dưới bất kỳ hình thức nào, thì mọi người nên đến gặp bác sĩ nha. Nốt tuyến giáp là những nốt sưng thường có hình tròn. Mọi người có thể cảm thấy một nhân giáp lăn dưới đầu ngón tay hoặc thấy nó di chuyển theo tuyến giáp khi nuốt.
Chúng ta có thể nhìn thấy bướu cổ ở một bên của tuyến giáp, đôi khi ở cả hai mặt. Lúc này cổ của chúng ta có thể bị phì đại tuyến giáp hoặc có nhân giáp cần được đánh giá thêm. Các xét nghiệm chẩn đoán tiếp theo có thể bao gồm siêu âm, xét nghiệm máu hormone tuyến giáp, chụp cắt lớp vi tính (CT).
Lưu ý, việc tìm thấy một nhân giáp không có nghĩa là mọi người bị UT.
Một nghiên cứu đã chỉ có khoảng 8% các nhân giáp là UT.
UT tuyến giáp thường phát triển chậm, nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi sẽ rất cao.
Lưu ý, việc sờ cổ và cảm thấy cổ có cục u chỉ có thể phát hiện ra nhân giáp trong 11,6% trường hợp. Nếu nghi ngờ bản thân có thể mắc bệnh tuyến giáp, bạn hãy tới cơ sở y tế để được siêu âm để phát hiện sự phát triển bất thường của u tuyến giáp đó mọi người.
Chế độ ăn cho tuyến giáp khỏe mạnh
Thực phẩm giàu i-ốt
Tuyến giáp cần i-ốt để sản sinh ra các hormone cần thiết. Nếu muốn tìm đến nguồn thực phẩm giàu i-ốt tự nhiên thì hãy lựa chọn tảo biển, cá biển, cua, ghẹ… Hoặc các thực phẩm có tăng cường i-ốt như muối i-ốt và bổ sung thường xuyên để cơ thể không thiếu hụt i-ốt. Tuy nhiên, thực phẩm giàu i-ốt là chống chỉ định tương đối với người bệnh đang ở trong tình trạng cường giáp.
Rau lá xanh
Rau bina, rau diếp, cải xoăn… đều là những loại rau lá xanh chứa nguồn magie và khoáng chất dồi dào. Thường xuyên ăn rau lá xanh không chỉ hỗ trợ hoạt động của tuyến giáp mà còn giảm bớt tình trạng mệt mỏi, chuột rút cơ và thay đổi nhịp tim.
Các loại hạt
Hạt điều, hạnh nhân, hạt bí… là một nguồn thực phẩm tuyệt vời giàu sắt và magie rất tốt cho tuyến giáp. Không những thế, các loại hạt còn cung cấp cho cơ thể một nguồn vitamin E và B giúp tuyến giáp hoạt động trơn tru hơn.
Thực phẩm hạn chế ăn
Các sản phẩm từ đậu nành
Một số hợp chất được tìm thấy trong các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ… có thể gây cản trở khả năng tạo ra hormone của tuyến giáp. Bởi lẽ, đậu nành có thể làm giảm khả năng hấp thu i-ốt vào cơ thể.
Do đó, nếu mắc bệnh về mất cân bằng hormone hay rối loạn tuyến giáp thì bạn không nên ăn đậu nành hoặc đậu phụ hàng ngày và kéo dài. Bạn có thể dùng thay đổi trong tuần với số lượng hợp lý.
Đồ ăn từ nội tạng động vật
Thận, tim hoặc gan đều là những cơ quan nội tạng có chứa nhiều axit lipoic. Đây là một axit béo có thể làm gián đoạn quá trình hoạt động của tuyến giáp nếu bạn tiêu thụ quá nhiều. Thậm chí, axit lipoic còn có thể tương tác với thuốc điều trị tuyến giáp mà bạn đang sử dụng, nên bạn cần trao đổi với bác sĩ để biết thông tin đầy đủ.
Thực phẩm chứa gluten
Gluten thường được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch… nó sẽ có hại khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh celiac. Bởi gluten có thể gây tổn thương đường tiêu hóa của người mắc bệnh celiac. Bên cạnh đó, nó còn gây ra vô số vấn đề nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tuyến giáp, từ đó có thể gây ra bệnh Hashimoto (viêm tuyến giáp) và bệnh Graves (cường giáp).
Chất xơ và đường
Cho dù chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa thì bạn cũng không nên ăn quá thường xuyên vì nó có thể ngăn cản sự hấp thu của thuốc vào cơ thể. Do đó, người bệnh nên ăn đủ chất xơ hàng ngày theo khuyến nghị của chuyên gia dinh dưỡng.
Mặt khác, đường và các chất tạo ngọt cũng có thể gây suy giảm chức năng tuyến giáp. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc chuyển hóa đường thành năng lượng, từ đó gây tăng cân và hạn chế hoạt động của tuyến giáp.
Ngoài ra, nếu sử dụng quá nhiều đường và chất tạo ngọt có thể gây thừa cân, rối loạn chuyển hóa đường, cũng như các rối loạn chuyển hóa khác. Do đó, người bệnh cần phải được tư vấn dinh dưỡng để biết lượng đường và chất xơ phù hợp nhất sử dụng được mỗi ngày.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)