Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3588/QĐ-BYT năm 2021 về việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trong đó có hướng dẫn người được tiêm chủng tự theo dõi sau tiêm phòng. Nếu thấy một trong 8 dấu hiệu điển hình dưới đây, người được tiêm chủng cần liên hệ y tế ngay.
Các phản ứng sau tiêm cần đặc biệt lưu ý
Theo đó, người được tiêm chủng tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 07 ngày đầu. Nếu thấy một trong các dấu hiệu sau phải liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:
– Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
– Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
– Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
– Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
– Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
– Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
– Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
– Toàn thân:
a. Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường
b. Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
c. Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
– Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
– Nói không với rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.
– Bổ sung đủ các chất dinh dưỡng.
– Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
– Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu thấy:
+ Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
+ Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Những điều cần chuẩn bị trước khi tiêm chủng
– Trước khi tiêm chủng, người đi tiêm cần lưu ý chuẩn bị 5 điều sau: chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vaccine khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc,… sử dụng trong thời gian gần đây.
– Trong ngày đến tiêm chủng, khai báo y tế trước khi đến trung tâm, chuẩn bị khẩu trang, tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ.
– Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết.
– Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như: Tình trạng sức khỏe hiện tại; Các bệnh mạn tính đang được điều trị; Các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây.
– Người đi tiêm cũng nên cung cấp thông tin về tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào.
– Nếu lần tiêm thứ 2, bạn nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm vaccine trước.
– Ngoài ra, cần cung cấp thông tin về tình trạng nhiễm virus hoặc mắc COVID-19 (nếu có); Các loại vaccine được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; Tình trạng mang thai hoặc cho con bú (nếu có);
– Nên chủ động tìm hiểu và đưa ra câu hỏi với cán bộ y tế: Thông tin liên quan đến vaccine phòng COVID-19 sắp được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo; Các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện và cách xử trí; Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Với mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, có 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như: y tế, quân đội, công an và các bộ, ngành,…
Chiến dịch tiêm chủng sẽ được tổ chức đồng loạt từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc bao gồm các cơ sở công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế.
Bách Nguyên (Theo suckhoegiadinh)