Thông thường, ta hay chú ý đến các thuốc cai rượu mà ít chú ý đến việc chữa các rối loạn do rượu gây ra. Bởi vậy khi xuất hiện các rối loạn này thường nặng và dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Mức độ uống và rối loạn
Theo quy ước 1 đơn vị tương đương với 8g cồn (1cốc nhỏ rượu mạnh và bằng khoảng 30ml rượu cuốc lủi). Theo khuyến cáo, nam chỉ nên uống mỗi tuần dưới 21 đơn vị (mỗi ngày dưới 3 cốc rượu mạnh). Nữ mỗi tuần dưới 14 đơn vị (mỗi ngày dưới 2 cốc rượu mạnh). Trong thực tế có những người uống trên mức khuyến cáo nhưng chưa có rối loạn do rượu. Khi uống gấp nhiều lần mức khuyến cáo: mỗi ngày nam có thể uống tới 8 cốc, nữ tới 6 cốc nhỏ rượu mạnh, đây là mức nguy hiểm. Đã có các rối loạn do rượu cấp (viêm tụy) hay mạn (tổn thương não) nhưng người bệnh không nghĩ đến, không điều trị. Khi nghiện rượu, là người uống đã uống bằng hay cao hơn mức nguy hiểm trên và kéo dài. Biểu hiện, có hội chứng cai sinh lý (run tay, vã mồ hôi, lo lắng, nôn ói, bứt rứt, mất ngủ, bỏ bê các công việc khác).
Thuốc điều trị rối loạn do rượu
– Phòng chữa rối loạn tâm thần kinh
Bệnh não Wernicke là biến chứng tâm thần kinh thường gặp ở người nghiện với các biểu hiện: lú lẫn, thất điều, liệt vận nhãn. Ban đầu bệnh có thể hồi phục, song nếu không được chẩn đoán, điều trị có thể gây hư tổn não vĩnh viễn (loạn thần Korsakoft) với đặc điểm mất trí nhớ ngắn hạn nặng nề và suy giảm chức năng đi kèm, cần phải chăm sóc lâu dài.
Tại cộng đồng, nếu người bệnh khỏe, không có biến chứng do nghiện rượu có thể dùng vitamin B1 uống với liều tối thiểu mỗi ngày 300mg. Do dạng uống có độ hấp thu kém với người nghiện, nên thường dùng dạng tiêm bắp.
Tại bệnh viện, dự phòng bằng cách tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch mỗi ngày một lần 250mg vitamin B1, mỗi đợt kéo dài 3-5 ngày. Khi có một trong những triệu chứng sau: thất điều, hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, lú lẫn, liệt vận nhãn hay rung giật nhãn cầu, rối loạn trí nhớ, ói mửa, hôn mê, mất tri giác… cần nghi ngờ tới bệnh não Wernicke. Cần dùng vitamin B1 tiêm tĩnh mạch ít nhất mỗi lần 500mg, ngày 3 lần. Nếu người bệnh không đáp ứng thì ngừng điều trị. Nhưng nếu có đáp ứng (tức có bệnh não Wernicke), tiếp tục mỗi ngày một lần tiêm tĩnh mạch vitamin B1 250mg trong 5 ngày liền hoặc kéo dài thêm, nếu triệu chứng bệnh được cải thiện.
Dùng tiêm tốt hơn uống, nhưng tiêm đặc biệt là tiêm tĩnh mạch vitamin B1 dễ gây sock phản vệ. Chỉ tiêm tĩnh mạch ở bệnh viện và chuẩn bị sẵn thuốc chống sock.
Khi cai (bỏ) rượu thường bị "hội chứng cai" như sảng rượu cấp, co giật, động kinh. Cần phòng chống các hội chứng này.
+ Nếu chỉ nghiện nhẹ: Chỉ cần khuyên bỏ rượu, không dùng thuốc hay dùng thuốc benzodiazepam với liều nhỏ (như dùng seduxen mỗi lần 5 mg, mỗi ngày 2 lần).
+ Nếu nghiện trung bình: Có thể cai tại nhà. Thường dùng chlordiazepoxid, theo cách giảm liều dần trong 5 ngày.
+ Nếu nghiện nặng: Phải điều trị nội trú. Dùng liều chlordiazepoxid cao hơn, theo dõi cẩn thận hơn. Cần đo nồng độ cồn qua hơi thở. Chỉ dùng thuốc khi có hội chứng cai rượu rõ ràng. Nếu có nguy cơ co giật cao, sảng rượu cấp, có thể điều trị tối đa tới 2 tuần. Cần chú ý, chlordiazepoxid gây tích lũy do đó khi bị kèm bệnh gan nên dùng một thuốc có thời gian bán hủy ngắn hơn để tránh tích lũy như có thể dùng oxazepam.
Các thuốc dùng cai rượu.
Chỉ dùng hỗ trợ khi nghiện rượu nặng hoặc tái phát sau khi đã cai rượu:
+ Disulfiram: Disulfiram chỉ cho rượu chuyển thành chất trung gian độc (acetaldehyt) rồi ngừng, mà không chuyển tiếp thành nước, khí carbonic. Chất trung gian gây khó chịu, nôn, làm người nghiện sợ không dám uống rượu. Đây là cách "lấy độc trị độc". Không dùng disulfiram cho người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, suy thận, xơ gan, đái tháo đường, suy tuyến giáp, động kinh, có thai. Không dùng disulfiram liều cao, khi dùng không được uống thêm rượu, vì dùng nhiều disulfiram hay đang dùng mà uống rượu thì chất trung gian tăng cao làm tim đập nhanh, mặt bừng đỏ, nôn, đổ mồ hôi, nhức dầu dữ dội, nếu nặng có thể tử vong.
Natrelxon: là thuốc cai nghiện ma túy, nhưng có thể dùng cai rượu. Dùng dạng uống, người nghiện khó tuân thủ. Hiện đang nghiên cứu dạng tác dụng kéo dài. Ở nước ta chưa có dạng này. Khi uống để cai nghiện rượu, có thể bị nôn, buồn nôn, đau bụng tiêu chảy, đau xương khớp, trầm cảm. Người suy gan, người đang dùng thuốc phiện (chẳng hạn như dùng trị tiêu chảy, giảm đau) thì không dùng được.
+ Acamprosat calcium: Khi nghiện rượu, hệ thống dẫn truyền thần kinh (gồm các chất GABA và glutamat) bị ức chế, mất cân bằng. Trên súc vật, acamprosat calcium lập lại sự kích thích và cân bằng này. Suy luận ra, trên người, thuốc làm giảm sự thèm rượu tương tự. Ngoài ra, thuốc cũng không bị chuyển hóa ở gan nên với người suy gan vẫn dùng được mà không cần giảm liều nhưng không dùng được cho người suy thận.
Cần lưu ý phòng chống các rối loạn do rượu. Chỉ nên dùng thuốc cai khi cần theo chỉ định của thầy thuốc và lưu ý thuốc cai rượu cũng chỉ có tính chất hỗ trợ.
Bách Nguyên (Theo Suckhoedoisong)