Hạt chia cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng có những tác dụng phụ nhất định.
Dị ứng
Thành phần protein trong hạt chia có thể gây ra dị ứng, đặc biệt là ở những người có tiền sử dị ứn với hạt cải, hạt vừng.
Các triệu chứng của dị ứng có thể bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, ngứa môi và lưỡi…
Do đó, khi mới bắt đầu, bạn chỉ nên ăn một ít để kiểm tra xem cơ thể có phản ứng bất thường nào với loại hạt này không.
Hạt chia có đặc tính hút nước tốt và thay đổi kích thước nhanh chóng khi gặp nước. Khi tiếp xúc với nước bọt và dịch khoang miệng, hạt chia sẽ lớn hơn rất nhiều. Do đó, chúng ta nên ngâm hạt chia với nước cho hạt nở hẳn rồi mới sử dụng và không nên ăn quá nhiều.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Hạt chia cung cấp lượng chất xơ lớn nên có thể tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Lượng chất xơ quá mức sẽ dẫn tới các vấn đề như đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, ợ nóng, khó chịu.
Điều này càng biểu hiện rõ ràng hơn ở những người mắc bệnh về đường tiêu hóa như viêm ruột, viêm loét đại tràng…
Người lớn chỉ nên dùng khoảng 10g/ngày. Sau khi dùng liên tiếp 4 tuần nên dừng lại để nghỉ ngơi rồi mới dùng tiếp. Trẻ em dùng không quá 4g/ngày.
Giảm tác dụng của một số loại thuốc
Khi dùng thuốc điều trị tiểu đường, bạn không nên ăn hạt chia. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hạt chia có tác dụng hạ đường huyết. Ăn quá nhiều hạt chia sẽ làm lượng đường trong máu giảm và có thể phải điều chỉnh lại liều lượng thuốc trị tiểu đường đang sử dụng. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại hạt này.
Bên cạnh đó, hạt chia có chứa nhiều axit béo omega-3 có tác dụng làm loãng máu, hạ huyết áp. Do đó, người bị huyết áp thấp và người đang dùng thuốc huyết áp nên cẩn trọng khi sử dụng hạt chia để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và công dụng của thuốc.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)