Yêu thương, chăm sóc, bao bọc con không đúng cách có thể khiến con của bạn kém thông minh, không phát triển tốt về thể chất và tinh thần ngay từ khi nằm trong nôi. Dưới đây là những sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi chăm sóc trẻ trước 3 tuổi.
Luôn giữ con trong nhà mà không cho ra ngoài
Nhiều bố mẹ vì lo sợ con ra ngoài đường chơi sẽ gặp nhiều nguy hiểm, kẻ xấu… mà luôn giữ con khư khư trong nhà mà ít cho con ra ngoài tiếp xúc với môi trường xung quanh, đặc biệt là trẻ con ở thành phố.
Chính vì ít có cơ hội được tiếp xúc với mọi vật ở cuộc sống xung quanh mà sẽ khiến cho não bộ của trẻ bị trì trệ hơn, không được tư duy và khám phá nhiều như trẻ con được sống trong môi trường thoải mái tiếp xúc.
Chính vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên nói chuyện, vui chơi cùng con ở thế giới bên ngoài và đặc biệt là cho trẻ chơi những trò chơi phát triển kĩ năng vận động và trí não ngoài trời.
Luôn thúc giục trẻ
Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, trẻ em chỉ đơn giản là những đứa trẻ cứng đầu, dù làm gì cũng chậm chạp, thậm chí nhiều cha mẹ còn quát tháo, dùng roi đánh để con mình làm nhanh hơn. Tuy nhiên, cha mẹ phải hiểu rằng đối với trẻ, chậm chạp là điều bình thường, từ việc mặc quần, đi tất trẻ cần thực hành nhiều lần để đạt được sự thành thạo. Ngoài ra, trẻ em chưa nhận thức được khái niệm về thời gian, đòi hỏi cha mẹ cần phải kiên nhẫn hướng dẫn trẻ.
Trẻ thường xuyên bị cha mẹ giải quyết vấn đề bằng vũ lực, ngôn từ bạo lực sẽ trở nên khép kín mình, hướng nội. Dẫn đến trẻ không muốn tâm sự chia sẻ cùng ai, rối loạn hành vi và ngôn ngữ, các vấn đề về thần kinh cũng xuất hiện.
Không giao việc nhà cho trẻ từ khi còn nhỏ
Theo các chuyên gia, trẻ từ 2 – 3 tuổi đã có thể bắt đầu làm việc nhà. Điều này có thể gây sốc với các cha mẹ, nhưng nó lại hoàn toàn đúng nếu bạn giao công việc phù hợp cho con. Trẻ không thể bưng bê mâm cơm, không thể tự giặt quần áo, không thể rửa chén bát, nhưng con hoàn toàn có thể lau bàn, bỏ quần áo bẩn vào rổ đựng đồ trước khi giặt, dọn đồ chơi…
Điều quan trọng là cha mẹ phải cho con thực hành những công việc này từ sớm để con hình thành một thói quen, chứ đừng xót con mà "ôm" tất cả mọi việc vào người, rồi sau này than vãn vì con quá lười.
Luôn dỗ "con đừng khóc" và tìm mọi cách để đứa trẻ thôi không khóc
Một phản xạ thông thường của tất cả cha mẹ khi thấy con khóc, đó là ngay lập tức dỗ con, nói với con "đừng khóc nữa" và làm mọi cách để đứa trẻ thôi khóc. Tuy nhiên chúng ta không biết rằng, trẻ sơ sinh khóc cũng có nghĩa là đang nói. Việc bảo con "đừng khóc", có khác nào bảo con "đừng nói"?
"Tôi đã từng biết rất nhiều cha mẹ, họ thấy con mình 9 tháng chưa nói họ bảo bình thường, 1 tuổi chưa nói họ bảo một ngày nào đó con sẽ nói thôi…nhưng rồi cuối cùng, đến 2 tuổi, 3 tuổi con họ vẫn chưa nói. Và họ tìm đến tôi để thắc mắc". Việc cấm con khóc khi nhỏ, cũng là một phần lý do khiến trẻ chậm nói khi lớn.
Khánh Chi (tổng hợp)