Tiến sĩ dược tại Mỹ - Huyền Ny khuyên phụ nữ mang thai càng cần cẩn thận và nâng cao ý thức tự bảo vệ hơn vì thuộc nhóm dễ lây nhiễm các bệnh liên quan đến virus.
Khi Covid-19 đã trở thành đại dịch ở hàng trăm quốc gia trên thế giới và những bài viết dành riêng cho nhóm phụ nữ mang thai còn chưa nhiều, tiến sĩ dược tại Mỹ – Huyền Ny chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, nhằm giúp các mẹ bầu an toàn hơn giữa mùa dịch. Chị giải đáp những thắc mắc thường gặp của phụ nữ mang thai liên quan đến Covid-19 trong bài viết dưới đây.
– Phụ nữ đang mang thai có dễ nhiễm Covid-19 không? Nếu nhiễm, bệnh có dễ bị nặng hơn không?
– Vẫn chưa có thông tin cụ thể cho nhóm phụ nữ này. Tuy nhiên, đối với các virus trong cùng họ Covid-19 cũng như những virus có liên quan đến đường hô hấp như cúm, theo các nghiên cứu, phụ nữ mang thai thuộc nhóm thường dễ lây nhiễm hơn.
– Phụ nữ đang mang thai cần lưu ý những gì để chống Covid-19?
– Khi mang thai, phụ nữ cần phải cẩn thận hơn nữa trong việc giữ cho mình ít nguy cơ nhiễm bệnh: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với mọi người đặc biệt là những người đang bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh, dùng khăn giấy khi ho (nếu không có khăn giấy thì ho vào khuỷu tay rồi giặt áo ngay).
– Sự thay đổi hormone có làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19?
– Khi phụ nữ đang mang thai, cơ thể có nhiều sự thay đổi của các hormone, nguy cơ nhiễm trùng tăng cao hơn bình thường. Các bạn lưu ý giữ gìn vệ sinh tốt, kể cả vệ sinh răng miệng. Phụ nữ dễ gặp những vấn đề về răng hơn như đóng vôi, sâu răng… trong thời gian này.
– Phụ nữ đang mang thai có nên đi xét nghiệm xem thử có mắc Covid-19 không?
– Không. Ngoại trừ có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở thì liên lạc với bác sĩ để được hướng dẫn. Tuỳ nơi bạn sống, sẽ có hướng dẫn phù hợp. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến khích những phụ nữ trong nhóm này, nếu có triệu chứng cần được xét nghiệm ngay.
– Covid-19 ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
– Cho đến thời điểm này, không có bằng chứng Covid-19 tăng khả năng sẩy thai hoặc virus xâm nhập vào nước ối hay sữa mẹ.
– Nguy hiểm lớn nhất nếu có đối với thai nhi là gì?
– Điều này không luôn xảy ra. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu nhỏ được xuất bản trên Ultrasound in Obstetrics and Gynecology, có một số các em bé bị sinh sớm.
– Sau khi sinh, có phải cách ly 2 mẹ con không?
– Bác sĩ sẽ thảo luận cùng mẹ để có những lựa chọn/thay đổi phù hợp nhất cho sự an toàn của mẹ và con.
Có trường hợp để đảm bảo cho con, bác sĩ có thể cho mẹ và con tạm thời cách ly. Trong thời gian đó, mẹ vẫn bắt đầu bơm để kích sữa. Cũng có trường hợp không cần thiết.
Khánh Chi (tổng hợp)