Theo các chuyên gia, tay chân miệng lây truyền từ người sang người, bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Vì vậy, việc nhận diện qua các giai đoạn là vô cùng quan trọng.
Trên 90% trẻ sẽ khỏi bệnh sau 7-10 ngày
Theo BS.Trương Hữu Khanh, khoa nhiễm – thần kinh BV Nhi đồng 1, bệnh TCM đang vào mùa và số lượng trẻ mắc bệnh nhập viện đang tăng dần. Nếu như vào tuần trước, trẻ mắc bệnh này nhập khoa nhiễm – thần kinh chỉ khoảng 20 trẻ thì đầu tuần này, con số này tăng vọt lên 50. Vào tháng 8, đã có trẻ mắc bệnh độ nặng nhập viện phải thở máy, các phụ huynh cần chú ý phòng ngừa và phát hiện các dấu hiệu trẻ bệnh để cách ly, điều trị kịp thời.
BS Khanh cho biết bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới ba tuổi, độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Đa số trên 90% trẻ sẽ khỏi sau 7-10 ngày. Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh là trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói đau miệng, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng. Có thể đưa trẻ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi gần nhà xem có đúng không. Trẻ có dấu hiệu coi chừng nặng khi sốt hơn hai ngày, sốt hơn 39 độ C, uống thuốc khó hạ, hay nôn ói, cần đưa đi bệnh viện.
Trẻ mắc bệnh nặng khi giật mình chới với lúc thiu thiu ngủ, nảy người, không giống với giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu, không đi vững, tay chân yếu, người run, cần đưa đi bệnh viện gấp. Bệnh quá nặng khi trẻ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay mạch quá nhanh.
Tháng 8, tháng 9 là thời điểm bệnh tay chân miệng tăng cao.
Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày.
Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh: Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Sốt nhẹ, nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Theo các chuyên gia, bệnh TCM có thể có những biến chứng nếu không được phát hiện xử trí chăm sóc điều trị đúng. Các biến chứng có thể là: Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não; Rung giật cơ, giật mình chới với: từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, dễ xuất hiện khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa; Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược; Rung giật nhãn cầu;Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn; Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch,..
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, phụ huynh nên để ý các dấu hiệu mắc bệnh của trẻ nhằm cách ly, tránh bệnh lây lan cho trẻ khác. Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường sốt, loét miệng, nổi hồng ban, mụn nước lòng bàn tay chân… Tuy nhiên, khi trẻ có những dấu hiệu sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái… thì cần nhập viện ngay kể cả trong đêm bởi đây là những dấu hiệu bệnh trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Cần chủ động phòng bệnh
Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine phòng bệnh nên cần có các biện pháp vệ sinh và cách ly trẻ mắc bệnh. Cơ chế của bệnh là trẻ nuốt phải virus gây bệnh vào bụng. Virus phát tán ra môi trường từ phân, mụn nước và nhiều nhất là từ nước miếng của người bệnh. Một trẻ mắc bệnh dễ làm virus lây lan ở sàn nhà, đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa… Con nít chưa có ý thức nên thường có thói quen móc miệng, ngậm tay rồi bốc lung tung, bò dưới sàn nhà và ngậm đồ chơi nên dễ nhiễm phải virus. Người lớn và trẻ lớn có khi mang virus bệnh nhưng biểu hiện rất nhẹ, nhìn bên ngoài không biết cũng có thể là nguồn phát tán virus ra môi trường và lây cho trẻ khác khi chăm sóc và tiếp xúc.
Do đó, trẻ đi học ở nhà trẻ cần rửa tay trước khi vào lớp, trước khi về nhà, khi về tới nhà. Người lớn phải rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, trước khi chế biến thức ăn, nhất là mới đi ra ngoài về. Rửa tay đúng cách là phải rửa với xà phòng dưới vòi nước để đẩy chất bẩn có chứa virus ra khỏi bàn tay.
Khi có con mắc bệnh, phụ huynh cần cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày, thông báo cô giáo bé mắc bệnh TCM để phòng cho bé khác, sát trùng dụng cụ học tập, tay nắm cửa, sàn nhà, đồ chơi để phòng cho mấy bé khác.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP. Hồ Chí Minh bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Tháng 8, tháng 9 là thời điểm bệnh tay chân miệng tăng cao, bởi đây là lúc trẻ em trở lại trường học sau khi nghỉ hè. Do đó, các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là việc theo dõi, giám sát, phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày và phụ huynh cần thông báo rõ lý do cho nhà trường ngay nếu con em mình nghỉ học.
Để ngăn ngừa dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất trong trường học, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong khu vực trường học, nhóm trẻ; tăng cường các biện pháp hiệu quả phòng chống lây lan bệnh tay chân miệng trong trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ đồng thời tuyên truyền phụ huynh diệt lăng quăng trong khu vực gia đình sinh sống.
Bách Nguyên (Theo suckhoedoisong)