Tháng 7 Âm lịch được gọi là mùa Vu lan, là dịp để những người làm con thể hiện đạo hiếu; bạn có biết nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Vu lan báo hiếu?
Khởi nguồn là nghi thức của Phật giáo, ngày nay ở Việt Nam, Vu lan trở thành lễ báo hiếu của không chỉ Phật tử. Lễ Vu lan báo hiếu dịp tháng 7 Âm lịch đã thành một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Tinh thần mùa Vu lan cũng được mở rộng, không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo mà còn giáo dục tình yêu thương, nhắc nhở mỗi con người “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và cầu mong cho mọi người đều có cuộc sống hạnh phúc, an bình.
Nguồn gốc ngày lễ Vu lan báo hiếu
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung), bao gồm cả cha mẹ của kiếp trước.
Theo kinh Vu lan, ngày xưa, bà Thanh Đề - mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên, đệ tử Đức Phật, là một người sống rất xa hoa lãng phí, ích kỷ, tham lam, độc ác. Thường ngày, bà nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất, nhưng lại không chịu chia sẻ cho người khác. Còn Mục Kiền Liên - con trai của bà tính tình hiền lành, chịu khó, trái ngược hoàn toàn với mẹ. Cậu bé luôn nhặt lại những hạt cơm mẹ làm rơi xuống, rửa sạch đi rồi ăn. Mọi người xung quanh đều rất yêu mến, khen ngợi cậu.
Câu chuyện về tôn giả Mục Kiền Liên sẽ cho bạn biết về nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Vu lan báo hiếu
Sau khi mẹ qua đời, Mục Kiền Liên xuất gia theo Phật và trở thành một trong những đệ tử xuất sắc nhất, đặc biệt rất giỏi về thần thông. Vì luôn tưởng nhớ mẹ, ông muốn biết hiện tại mẹ mình đang ở cõi nào nên đã dùng thần thông tìm khắp từ các tầng trời đến các tầng địa ngục, cuối cùng thấy mẹ mình ở địa ngục dành cho những tội nghiệt nặng nhất. Do gây nhiều nghiệp ác, bà Thanh Đề trở thành ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở.
Thương mẹ, Mục Kiền Liên đem cơm xuống địa ngục dâng mẹ. Bà Thanh Đề mừng quá, lật đật bưng bát cơm lên, một tay che lại để ngăn những quỷ đói khác đến tranh cướp. Sự tham lam đó khiến bà không được hưởng lễ vật mà con trai dâng tặng, cơm đưa đến miệng lập tức hóa thành lửa đỏ.
Mục Kiền Liên đành quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách là nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, nhờ cậy chư tăng làm lễ Vu lan bồn để giải thoát cho mẹ, nhờ đó bà Thanh Đề thoát khỏi địa ngục và được sinh về cõi trời. Phật dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể làm theo cách trên, thực hiện pháp Vu lan bồn. Ngày lễ Vu ;an ra đời từ đó.
Ý nghĩa ngày lễ Vu lan báo hiếu
Trước đây, lễ Vu lan báo hiếu được tổ chức vào đúng ngày 15 tháng 7 Âm lịch. Những năm gần đây, Vu lan trở thành một đại lễ, được nhiều nơi tổ chức kéo dài suốt cả tháng 7.
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, Vu lan không chỉ là nghi lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ chung để những người làm con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành, dưỡng dục mình. Mùa Vu lan báo hiếu cũng là dịp để mỗi người chúng ta sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và có hành động thực tế báo đáp ơn cha mẹ và chia sẻ với những người xung quanh mình.
Trong lễ Vu lan, ngoài những nghi thức thông thường như giảng kinh về đạo hiếu, phóng sinh…, những người tham dự đều được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn mẹ thì cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ cài bông hồng trắng. Họ cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha mẹ thực hành đạo hiếu, sống thương yêu.
Lễ Vu lan báo hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”.
Theo VTC