Mang thai có thể khiến phụ nữ dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và cũng có thể làm cho những bệnh nhiễm trùng sẵn có trở nên trầm trọng hơn cho dù đó là nhiễm trùng nhẹ.
Một số bệnh nhiễm trùng xảy ra trong thai kỳ chủ yếu gây rủi ro cho người mẹ. Các bệnh nhiễm trùng khác có thể được truyền sang em bé qua nhau thai hoặc trong khi sinh.
Khi điều này xảy ra, em bé cũng có nguy cơ bị các biến chứng về sức khỏe, có thể dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh. Thậm chí, chúng có thể nguy hiểm đến tính mạng của mẹ.
Vì vậy, cần ngăn ngừa nhiễm trùng trong thai kỳ để giảm thiểu rủi ro cho cả mẹ và con.
1.1 Những thay đổi về khả năng miễn dịch
Hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại những "kẻ xâm lược" có hại. Trong thời kỳ mang thai, hệ thống miễn dịch của phụ nữ thay đổi để có thể bảo vệ cả thai phụ và thai nhi khỏi bệnh tật. Các bộ phận khác nhau của hệ thống miễn dịch được tăng cường trong khi những bộ phận khác bị ức chế. Điều này tạo ra sự cân bằng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng cho thai nhi mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.
Những thay đổi này cũng giúp bảo vệ thai nhi khỏi sự tự vệ của cơ thể bạn. Về lý thuyết, cơ thể sẽ "từ chối" em bé, nhưng không phải vậy bởi tương tự như cấy ghép nội tạng, cơ thể của người mẹ coi em bé là một phần "chính mình" và một phần "ngoại lai". Điều này giúp hệ thống miễn dịch của người mẹ không tấn công em bé.
Mặc dù có những cơ chế bảo vệ này, nhưng phụ nữ mang thai vẫn dễ bị nhiễm trùng mà thông thường không gây bệnh. Trong thời kỳ mang thai, hệ thống miễn dịch của thai phụ phải làm việc nhiều hơn, điều này khiến phụ nữ mang thai dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng.
1.2 Những thay đổi trong hệ thống cơ thể
Ngoài những thay đổi về chức năng miễn dịch, những thay đổi về nội tiết tố cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Những biến động về nồng độ hormone này thường ảnh hưởng đến đường tiết niệu, được tạo thành từ thận, là cơ quan sản xuất nước tiểu; niệu quản, là các ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang; bàng quang là nơi chứa nước tiểu; niệu đạo là một ống vận chuyển nước tiểu ra khỏi cơ thể.
Khi tử cung mở rộng khi mang thai, nó sẽ gây áp lực nhiều hơn lên niệu quản. Trong khi đó, cơ thể tăng sản xuất một loại hormone gọi là progesterone, có tác dụng làm giãn niệu quản và cơ bàng quang. Kết quả là, nước tiểu có thể ở trong bàng quang quá lâu. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng đường tiết niệu. Sự thay đổi nội tiết tố cũng khiến thai phụ dễ bị nhiễm một loại nhiễm trùng nấm men được gọi là bệnh nấm candida. Mức độ cao hơn của estrogen trong đường sinh sản dẫn đến việc thai phụ bị nhiễm trùng nấm men.
Ngoài ra, những thay đổi về lượng chất lỏng trong phổi có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi, chẳng hạn như viêm phổi. Phổi chứa nhiều chất lỏng hơn khi mang thai, và lượng chất lỏng tăng lên sẽ gây áp lực nhiều hơn lên phổi và bụng. Điều này khiến cơ thể thai phụ khó đào thải chất lỏng này ra ngoài, khiến chất lỏng tích tụ trong phổi. Chất lỏng thừa sẽ kích thích sự phát triển của vi khuẩn và cản trở khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể thai phụ.
2. Những rủi ro cho mẹ và con
2.1 Rủi ro cho mẹ
Một số bệnh nhiễm trùng xảy ra trong thai kỳ gây ra các vấn đề chủ yếu cho người mẹ. Chúng bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm âm đạo và nhiễm trùng sau sinh.
2.2 Rủi ro cho em bé
Các bệnh nhiễm trùng gây ảnh hưởng cho em bé như virus cytomegalo (CMV), bệnh toxoplasmosis và virus parvo đều có thể lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào đối với bệnh nhiễm trùng virus cytomegalo xuất hiện ở trẻ mới sinh. Còn bệnh toxoplasmosis có thể điều trị thành công bằng thuốc kháng sinh. Với virus parvo tuy không có kháng sinh nhưng nhiễm trùng có thể được điều trị bằng truyền máu trong tử cung.
2.3 Nhiễm trùng thai kỳ gây rủi ro cho cả mẹ và con
Một số bệnh nhiễm trùng đặc biệt có hại cho cả mẹ và con bao gồm các bệnh giang mai, viêm gan, HIV, liên cầu khuẩn nhóm B. Thuốc kháng sinh có hiệu quả chống lại bệnh giang mai và vi khuẩn listeria ở mẹ và con, nếu nhiễm trùng được chẩn đoán kịp thời.
Mặc dù không có thuốc kháng sinh cho bệnh viêm gan do virus, nhưng hiện nay đã có vaccine để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan A và B.
2.4 Nhiễm HIV
Nhiễm HIV khi mang thai là một vấn đề nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, các phối hợp đa thuốc mới hiện nay đã kéo dài đáng kể thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV.
Cùng với việc sinh mổ trước khi bắt đầu chuyển dạ, các liệu pháp điều trị bằng thuốc này đã có hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ phụ nữ mang thai sang con.
2.5 Liên cầu khuẩn nhóm B
Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B cho mọi phụ nữ thường vào cuối thai kỳ. Nhiễm trùng này là do một loại vi khuẩn phổ biến được gọi là liên cầu nhóm B, cứ khoảng 4 phụ nữ thì có khoảng 1 phụ nữ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B. Nhiễm trùng này thường lây truyền nhất khi sinh qua đường âm đạo, vì vi khuẩn có thể có trong âm đạo hoặc trực tràng của người mẹ.
Ở phụ nữ mang thai, nhiễm trùng có thể gây viêm bên trong và thai chết lưu. Trẻ sơ sinh bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có thể phát triển các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Chúng bao gồm nhiễm trùng huyết, viêm phổi và viêm màng não. Khi không được điều trị, những bệnh nhiễm trùng như vậy có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho em bé, bao gồm mất thính giác hoặc thị lực, khuyết tật và suy giảm tâm thần mạn tính.
3. Ngăn ngừa nhiễm trùng trong thai kỳ
Thai phụ nên đi khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
Nhiễm trùng trong thai kỳ có thể phòng ngừa được nếu thai phụ thực hiện các biện pháp phòng ngừa hàng ngày có thể giúp giảm thiểu tác hại có thể xảy ra cho bạn và con bạn. Để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng khi mang thai, thai phụ nên:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước.
Nấu ăn chín các loại thịt.
Không sử dụng các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng hoặc tươi sống.
Không dùng chung dụng cụ ăn uống, cốc và thức ăn với người khác.
Tránh thay phân mèo và tránh xa các loài gặm nhấm hoang dã hoặc vật nuôi.
Thực hành tình dục an toàn và đi xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Đảm bảo tiêm đủ các mũi tiêm chủng.
Cần phải đi khám ngay lập tức nếu thai phụ bị ốm hoặc nghi ngờ đã tiếp xúc với một căn bệnh truyền nhiễm.
Bách Nguyên (Theo suckhoedoisong)