Từ xưa đến nay, 23 tháng Chạp vốn được dân gian lưu truyền là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng tiễn ông Công ông Táo.
Theo Giáo sư Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, phong tục thờ cúng Táo quân của dân tộc ta là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Đây cũng được coi là dịp để tỏ lòng biết ơn với vị thần đã cho lửa, mang lại no ấm cho gia đình trong suốt một năm. Đồng thời, đây cũng là lúc để mọi người trong gia đình đoàn tụ bên mâm cơm cuối năm.
Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình người Việt thường chuẩn bị mâm lễ để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.
Theo lịch vạn niên, ngày lễ ông Công ông Táo 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Sáu ngày 17.1.2020 dương lịch.
Có nhất thiết phải làm lễ cúng ông Công, ông Táo đúng vào ngày 23 tháng Chạp là thắc mắc của nhiều gia đình hiện nay, trong điều kiện phải đi làm công sở cả ngày.
Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh – Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam – cho rằng, hiện nay tùy vào điều kiện từng gia đình, mà có thể làm lễ tiến ông Công ông Táo vào thời điểm khác nhau. Có người cúng buổi sáng, có người cúng buổi chiều ngày 23 tháng Chạp, có người cúng hôm trước. Tuy nhiên, nếu cúng vào đúng ngày 23 tháng chạp thì vẫn hay hơn.
Dù vậy, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để cúng ông Công ông Táo về chầu trời.
Mâm cơm cúng ông Công ông Táo là các món ăn truyền thống của người Việt như: Xôi, gà, chân giò luộc, các món nấu hoặc canh măng, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng.
Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép.
Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, khi hết tuần hương, gia đình có thể lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao, hồ, sông, suối…
Tại miền Trung, các gia đình thường cúng ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Người miền Nam thì gia chủ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Hiện nay, phú quý sinh lễ nghĩa, trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo nhiều gia đình sắm sửa mâm cao cỗ đầy, thậm chí sắm máy bay, điện thoại bằng vàng mã… làm "phương tiện" tiễn ông Táo về chầu trời.
Các chuyên gia văn hóa cho rằng đây là quan điểm không đúng với truyền thống. Lễ cúng ông Công ông Táo nên được chuẩn bị và tiến hành với lòng thành và sự kính cẩn của gia đình.
Bách Nguyên (TH)