Ngày 23 tháng Chạp âm lịch, mọi nhà đều sửa soạn lễ tiễn Ông Công, Ông Táo về Trời. Có người cho rằng, cúng Táo Quân nên thực hiện ở bếp; có người lại cho rằng phải cúng trên ban thờ… Vậy hành lễ ở đâu cho đúng?
Theo các nhà nghiên cứu, phong tục thờ và cúng Táo Quân (Ông Công, Ông Táo) không phải là một hủ tục mê tín dị đoan mà là một tín ngưỡng văn hóa dân gian và có những mặt tích cực của nó. Sự tích và nguồn gốc của Lễ cúng Ông Công, Ông Táo được lưu truyền trong nhiều câu chuyện, nhưng nhìn chung được hiểu 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân về Trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc làm của gia chủ trong một năm, cả việc tốt và việc xấu. Vì vậy, mỗi nhà đều làm cỗ cúng tiễn Táo Quân về Trời chu đáo với mong muốn Táo quân hài lòng sẽ nói tốt cho mình, như vậy sẽ được ban lộc và tránh bị Ngọc Hoàng quở trách. Vì vậy khi cúng, có nơi người ta hay cúng bánh mật để Táo Quân ăn, khi lên báo cáo Thiên đình sẽ nói những lời ngọt ngào về gia chủ.
Cúng ông Công ông Táo ở đâu cho đúng?
Có người quan niệm Táo Quân là thần Bếp núc nên tiến hành cúng dưới bếp. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai. Mặc dù gọi là cúng Táo Quân nhưng đây là cách nói tắt, chứ thực ra lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng chạp là cúng chung ba vị Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp, dân gian thường gọi chung là Thần linh, Thổ địa, được thờ trên ban thờ. Vì vậy, việc hành lễ phải được tiến hành tại ban thờ chính, là nơi trang trọng nhất trong nhà chứ không thể thực hiện ở bếp. Hơn nữa, bếp là nơi nấu nướng, chế biến thực phẩm nên thường bị coi là nhếch nhác, nếu hành lễ ở đây sẽ thiếu trang trọng. Đó là chưa kể không gian bếp thường chật chội, ở thành phố càng chật chội hơn nên làm lễ sẽ rất khó khăn.
Bách Nguyên (TH)