Theo sách \"Nghi lễ thờ cúng cổ truyền Việt Nam\", để cúng ông Công ông Táo, các gia đình chuẩn bị một mâm cỗ mặn và bánh, kẹo, trầu cau, rượu...
Theo sách "Nghi lễ thờ cúng cổ truyền Việt Nam" của tác giả Nguyễn Quốc Thái do Thượng toạ Thích Quảng Đại thẩm định, chỉnh lý và được NXB Hồng Đức phát hành, ông Công ông Táo là một lễ cúng lớn trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Việc chuẩn bị lễ vật rất quan trọng.
Theo lệ thông thường, chiều ngày 22 tháng Chạp, các gia đình làm lễ tiễn Táo Quân để ngày 23 tháng Chạp ông Táo lên chầu trời, tấu trình mọi sự của gia chủ, đến trưa ngày 30 tháng Chạp ngài quay lại có mặt tại nhà tiếp tục công việc.
Tuy vậy, cho đến nay, các gia đình đa phần đều làm lễ tiễn Táo Quân lên chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp. Có người còn quan niệm Táo Quân là vị chủ thứ nhất của nhà: "Đệ nhất gia chi chủ" nên khi cúng lễ đều phải khấn Táo Quân trước.
Lễ vật trên ban Thổ Công, ngoài mũ, áo, hia, bài vị còn có thêm cây mía (làm gậy chông), giấy vàng, giấy bạc, trầu, cau, nước, hoa quả. Là ngày lễ lớn đặc biệt nên 23 tháng Chạp thường có thêm mâm cỗ mặn (xôi, rượu, thịt), cá chép sông. Làm lễ xong sẽ phóng sinh cá ra ao hoặc ra sông hồ, cá sẽ hoá rồng đưa Thổ Công lên trời.
Việc cúng tiễn ông Táo được thực hiện tại gia. Lễ cúng ông Táo gồm có:
Một mâm cỗ mặn, bánh, kẹo, trầu cau, rượu…
Hương thơm, lọ hoa tươi cùng các loại quả tươi đẹp.
Ba bộ mũ áo, hia hài Táo quân cùng vàng nén.
Ba con cá chép để Táo quân cưỡi bay lên trời.
Bộ ông Công ông Táo là một trong những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng 23 tháng Chạp. Thông thường, bộ ông Công ông Táo đầy đủ sẽ bao gồm: 3 chiếc mũ, 3 đôi giày, 3 bộ áo, 3 con cá chép giấy.
Cá chép tượng trưng cho phương tiện tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Ngày nay, cá chép có thể là cá sống hoặc làm bằng giấy.
Theo Lao động