Chia sẻ

Hà Anh áp dụng 7 bí quyết cho con tự tin đến trường

Trong ngày đầu đi học, con gái Hà Anh háo hức, không khóc vì đã được mẹ luyện cho sự dạn dĩ, không sợ phải rời xa vòng tay bố mẹ.

Là một bà mẹ hiện đại, Hà Anh chọn giáo dục con theo phương pháp tâm lý, cởi mở, giúp con được khám phá thế giới xung quanh nhiều nhất có thể, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhờ việc bố mẹ áp dụng 7 bí quyết linh hoạt dưới đây, bé Myla có được sự tự tin, háo hức khi được đi học.

1. Không giữ rịt con ở trong nhà

"Bắt đầu từ khi bé còn sơ sinh, các bố mẹ ở Việt Nam đa số rất sợ gió, sợ lạnh, sợ nóng, sợ đông vía người… cộng thêm thói quen ở cữ nên cả mẹ cả con đều chỉ ở trong nhà. Bé không tiếp xúc với ai từ những ngày đầu tiên khiến trẻ con sau này ra ngoài thấy người lạ (ngoài bố mẹ) rất sợ và khóc", Hà Anh phân tích lý do trẻ con sợ người lạ.

Để tạo sự dạn dĩ cho con, Hà Anh cho bé Myla được tiếp xúc thế giới bên ngoài từ bé, cho con làm quen với tiếng ồn, phương tiện di chuyển công cộng, nhà hàng, công viên và sự kiện đông người. Trong quá trình này, bố mẹ phải quan sát bé, giới thiệu bé dần dần vào môi trường mới để bé quen. Nếu con tỏ ra khó chịu nhiều, bố mẹ nên tạm dừng và cho con được làm quen với môi trường mới vào lúc khác, nếu bé thấy thoải mái, bố mẹ có thể cho bé sinh hoạt bình thường. Bố mẹ không nên vì chuyện bé không chịu hợp tác đi công viên một lần mà kết luận rằng bé không thích. Bố mẹ cần tiếp tục giới thiệu cho bé vào lần sau.

2. Thấy con sợ, ngại người lạ, bố mẹ cần giải thích

Nhiều trường hợp bố mẹ kè kè cạnh bên hoặc mắng con, bắt con chào khi thấy con sợ, ngại người lạ hoặc ôm, bế con đi chỗ khác. "Khi trẻ cảm thấy lạ, sợ sệt, bố mẹ la mắng khiến con càng sợ hơn", Hà Anh phân tích.

Cô chia sẻ tới khi Myla được 6-7 tháng tuổi, độ tuổi biết lạ và sợ, bé có thể khóc khi thấy một người bạn của bố mẹ có râu ria xồm xoàm hay người lạ mặt trong thang máy. Gặp phải những tình huống này, vợ chồng Hà Anh không vì thế mà phản ứng mạnh, ngược lại sinh hoạt, nói chuyện vui vẻ bình thường, giải thích cho con từ tốn, nhẹ nhàng rằng đó là ai. Bé quan sát thấy bố mẹ trò chuyện tiếp xúc bình thường với người lạ đó, một chốc sẽ thấy quen và hết sợ.

3. Muốn bé tự tin và cởi mở với người xung quanh, bản thân bạn hãy tỏ ra tự tin và cởi mở

Theo Hà Anh, trẻ con quan sát và bắt chước theo những gì bố mẹ chúng làm. Trẻ em còn cảm nhận được sự vui vẻ, cởi mở hay sợ sệt ngại ngùng của bố mẹ.

Vốn là người cởi mở, Hà Anh và chồng tiếp tục duy trì thế mạnh này khi có con, để bé Myla học theo. Hai vợ chồng gặp ai cũng chào, mỉm cười, có thể bắt chuyện từ cô lao công, chú bảo vệ, lễ tân đến hàng xóm trong thang máy. Chính vì vậy, bé Myla học được tính tự tin, cởi mở và vui vẻ với mọi người vì đó là những điều bé vốn nhìn thấy, nghe thấy hàng ngày. Nếu phụ huynh tự tin đi vào bất cứ nơi đâu cùng con, sau này bé cũng sẽ có được sự tự tin đó. "Đừng rụt rè, khép nép, lo sợ người khác mắng, hiểu sai, làm phiền. Vì đứa con, hãy cởi mở bản thân với cuộc sống! Bạn là tấm gương sáng nhất cho con", Hà Anh nhắn nhủ.

4. Cho con làm quen với việc không có bố hoặc mẹ ở bên và nói lời tạm biệt con

Từ khi Myla mới chào đời và trong giai đoạn bé còn đang bú, Hà Anh nhiều lần ra ngoài ăn trưa với bạn, đi làm đẹp… Mỗi lần xa con dù chỉ 2 tiếng, mẹ có thể nạp lại năng lượng cho chính mình, tập cho mình thói quen xa con và tập cho con thói quen xa mẹ. "Đừng giữ rịt con bên mình. Hãy cho con khoảng không để con tiếp xúc với sự giúp đỡ khác từ cô bảo mẫu, bố bé. Hãy cho bé biết rằng bạn sẽ luôn quay về với bé. Trong lúc đó, bé có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác ngoài mẹ", Hà Anh khuyên nhủ.

Khi con khóc, Hà Anh đôi khi phải kiềm chế để không lao vào bế con, phải để cho bố bé dỗ dành, để con biết không chỉ có mẹ mới biết bé muốn gì. Như vậy bé sẽ ổn kể cả không bên mẹ một thời gian ngắn. "Khi rời nhà, đặc biệt khi con khóc đòi thật sự khó. Nhưng cũng đừng vì vậy mà trốn đi. Hãy đàng hoàng chào tạm biệt bé, nói với bé là bạn sẽ quay trở lại sớm và dứt khoát bước đi", Hà Anh chia sẻ.

Sau khi trở về nhà, Hà Anh sẽ gặp con và nói: "Đấy con thấy không mẹ lại về với con này!". Dần dần con được tạo thói quen và không còn hoảng hốt khi mẹ ra khỏi nhà.

5. Việc con đi học là một cơ hội

Đi học là cơ hội để bé được gặp nhiều bạn bè, được vui chơi, được khám phá. "Bản thân đừng thương xót khi con phải đi học. Bé sẽ cảm nhận được sự e dè của bạn. Hãy tự tin giới thiệu cho con trải nghiệm đi học. Biến nó thành điều vui tươi, tuyệt vời". Thay vì nghĩ con phải đi học, bố mẹ cần cho con thấy là con được đi học.

Bố mẹ có thể nói với con: "Con ăn ngoan, mai bố/mẹ lại cho con đi học nhé", giúp con thấy được đi học là niềm vui và phần thưởng dành cho bé. Bố mẹ biến việc chuẩn bị đi học buổi sáng, đường đến trường thành những trải nghiệm vui vẻ, ca hát, chơi với nhau, trò chuyện cùng con.

6. Thường xuyên khen thưởng con

Thay vì mắng con hư, nói "Không" với con, bố mẹ hãy khen thưởng để khuyến khích khi con làm được điều mới mẻ dù nhỏ, dù lặp lại nhiều lần. Nếu không muốn con làm điều gì, bố mẹ nhẹ nhàng giải thích vì sao con không nên làm vậy và hào hứng giới thiệu với con hoạt động khác thú vị hơn. Khi con khóc, hãy vỗ về con nhưng đừng "làm quá".

Hãy nhanh chóng đánh lạc hướng con bởi những thứ thú vị để con mải chơi quên khóc. Một đứa trẻ tự tin hơn khi chúng được bố mẹ nhìn nhận công bằng, có sự quan tâm của bố mẹ thường xuyên và được bố mẹ khen thưởng, yêu thương. Những lời mắng, chì chiết con, nói con "hư" hoặc đánh con sẽ làm bé thiếu tự tin.

7. Không dọa con

Vợ chồng Hà Anh nhất trí không dọa con, ví dụ dọa chú công an bắt con, dọa loài vật này kinh, con kia cắn (nếu nó không thực sự cắn) kèm với thái độ kinh hãi nhằm làm con sợ. Biết sợ là điều cần thiết để con tự bảo vệ mình, nhưng bé sợ hãi tất cả mọi thứ là điều không nên. Trẻ con với những nỗi sợ vô thưởng vô phạt làm chúng mất tự tin khi khám phá thế giới bên ngoài. Bố mẹ có thể cho thử ăn chua, cay, đắng để xem con cảm thấy thế nào, không doạ con trước khi chúng thử nghiệm. Nhiệm vụ của bố mẹ là mở ra cho con một thế giới mới với vô vàn tiềm năng thay vì đặt thêm nhiều rào cản cho con. Không áp cho con những nỗi sợ của chính mình.

"Bản thân tôi cực sợ chuột nhưng tôi không bao giờ lấy chuột ra dọa con, thậm chí tôi phải kiềm nén nỗi sợ của mình trước mặt con", Hà Anh nói. Người đẹp mong muốn con không gặp rào cản khi khám phá thế giới mà luôn giữ được sự tò mò, thích thú khi ngày mới đến và được học hỏi mọi điều xung quanh.

Khánh Chi (tổng hợp)

Cùng thể loại

About Us

The argument in favor of using filler text goes something like this: If you use arey real content in the Consulting Process anytime you reachtent.

Instagram