Nguy cơ còi xương ở trẻ quá bụ bẫm còn do nhu cầu về canxi, phospho, vitamin D ở các trẻ này cao hơn những trẻ bình thường.
Bé nhà cháu khá bụ nhưng có người nói bụ bẫm vẫn có khi bị còi xương. Xin bác sĩ cho biết, làm thế nào để phát hiện con bị còi xương và cách phòng ngừa?
Bùi Thị Loan (Hà Giang)
Đúng là cả trẻ nhẹ cân lẫn nặng cân đều có thể bị còi xương. Nguyên nhân gây bệnh thường là thiếu vitamin D. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn hay ăn sữa ngoài đều sẽ không đủ vitamin D. Nhất là khi mang thai chế độ ăn uống của mẹ không cung cấp đủ chất này, hay kiêng cữ cho bé quá kỹ ở trong nhà, thiếu ánh nắng mặt trời… Nguy cơ còi xương ở trẻ quá bụ bẫm còn do nhu cầu về canxi, phospho, vitamin D ở các trẻ này cao hơn những trẻ bình thường. Dấu hiệu thường thấy của còi xương ở trẻ: hay quấy khóc không lý do, đêm ngủ không yên giấc và ra nhiều mồ hôi, một tiếng động nhỏ cũng có thể khiến trẻ bị giật mình. Trẻ bị rụng tóc vành khăn. Quan sát thấy thóp của trẻ rộng, mềm, lâu đầy kín và lúc thở thấy phập phồng mạnh, đỉnh đầu và trán có bướu nhô rõ. Xương đầu mềm nên bị bẹp giống như đầu cá trê. Răng mọc chậm và trẻ hay bị táo bón. Trẻ chậm biết lẫy, biết bò hoặc chậm biết đi hơn so với bình thường. Đối với trẻ bị còi xương cấp tính thường kèm theo chứng co giật do bị hạ canxi trong máu. Trẻ bị còi xương nặng thì gây ra nhiều biến chứng như có chuỗi hạt ở sườn, chân tay vòng kiềng… Để phòng ngừa bé bị còi xương, bạn nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Hằng ngày cho bé tắm nắng khoảng 10-15 phút vào buổi sáng. Nếu bé đã ăn dặm lưu ý các thực phẩm sẵn có chứa nhiều canxi có thể dùng nấu cho trẻ ăn là vừng đen, rau ngót, rau đay, rau muống, cua, tép khô, ốc, tôm, lòng đỏ trứng, sữa… Ngoài ra cho trẻ uống thêm canxi.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)