Ngạt mũi là triệu chứng phổ biến khi nhiễm SARS-CoV-2. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh có thể áp dụng những hướng dẫn dưới đây của bác sĩ.
Hiện tượng ngạt mũi, khó thở khi mắc Covid-19 là không hiếm gặp và nó khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đôi khi là lo lắng.
Vậy làm cách nào để khắc phục tình trạng ngạt mũi khi mắc Covid-19?
Theo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào – Giảng viên cao cấp bộ môn tai mũi họng, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết ngạt mũi là một trong những biểu hượng hay gặp ở người mắc Covid-19. Ngạt mũi thường đi kèm với chảy mũi, đau rát họng và xuất hiện vào ngày thứ 3 sau khi xác định nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngạt mũi thường làm người bệnh không ngủ được và phải há miệng để thở dẫn tới tình trạng khô họng, đau họng ngày càng nặng.
Bác sĩ cho biết, khi đường thở không thông thoáng, chức năng thông khí của đường hô hấp sẽ giảm, khả năng trao đổi khí ở phế nang cũng giảm. Đây là điều kiện thuận lợi để những người nhiễm virus SARS-CoV-2 diễn biến thành bệnh Covid-19.
Theo BS Đào, việc điều trị chứng ngạt mũi cũng là một bước để tránh bội nhiễm dịch ứ đọng trong hốc mũi diễn biến thành viêm xoang cấp hoặc dịch chảy xuống phế quản mang theo virus SARS-CoV-2 gây viêm phế quản, viêm phổi.
Để khắc phục tình trạng ngạt mũi, bác sĩ Đào hướng dẫn mỗi số biện pháp như sau:
– Xông hơi mũi bằng nước muối đẳng trương (nước muối nồng độ 0,9%) hoặc ưu trương (nước muối nồng độ cao hơn 0,9%) hay một số loại thảo dược có chứa tinh đầu loãng (như sả, chanh, bưởi, bạc hà, trầu không…). Việc xông này giúp làm loãng chất nhầy và làm dịu đường mũi bị kích ứng.
– Uống nhiều nước: Việc uống nước giúp làm loãng chất dịch trong hốc mũi, làm mũi thông thoáng hơn và từ đó giảm ngạt mũi. Ngoài việc giữ đủ nước cho cơ thể, một cốc nước ấm, gừng nóng và trà xanh cũng có thể giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi. Nước ấm là phương thuốc điều trị tốt nhất cho triệu chứng ngạt mũi.
– Ăn đồ cay: Thực phẩm cay là một trong những biện pháp tự nhiên giúp giảm ngạt mũi. Ớt có chứa capsaicin – một chất có tác dụng sinh nhiệt, có thể làm thông mũi, giảm viêm, giảm nghẹt mũi.
– Nằm ngủ kê cao đầu và có thể sử dụng máy tạo ẩm trong phòng ngủ.
– Sử dụng nhóm thuốc tại chỗ chống sung huyết mũi như naftazoline, xylometazoline, adrenaline, ephedrine… Lưu ý, đây là nhóm thuốc phải do bác sĩ chỉ định, không được tự ý sử dụng. Sử dụng dưới 10 ngày do thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như tăng huyết áp, lo lắng, mất ngủ…
– Thuốc kháng histamine đường uống hoặc tại chỗ (loratadin, cetirizin, fexofenadine, desloratadin…) có tác dụng làm làm khô mũi, giảm tiết dịch và triệu chứng hắt hơi khi nhiễm SARS–CoV-2 từ đó giúp ngăn ngừa lây nhiễm khi bắn các giọt dịch tiết ra môi trường xung quanh (thuốc vừa có tác dụng điều trị, vừa giúp phòng tránh lây nhiễm). Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tai mũi mũi họng, người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng thuốc.
Dấu hiệu cần đi khám
Bác sĩ Đào cho biết khi áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng ngạt mũi không thuyên giảm, thậm chí bị chảy dịch mũi vàng xanh, chảy dịch mũi lẫn máu, đau nhức vùng mặt xung quanh các xoang và ho đờm tăng dần, người bện cần liên hệ với bác sĩ tai mũi họng để có hướng xử trí kịp thời.
Bách Nguyên (Theo songkhoe)